top of page

Đại dịch: nên lạc quan hay thực tế?

Thấy báo nói, hôm qua Việt Nam ghi nhận số ca nhiễm covid kỷ lục, chủ yếu trong HCM. Hà Nội sau chưa đầy một tháng nới lỏng lại quay trở lại đóng cửa hết hàng quán dịch vụ.

Cuộc chiến với dịch bệnh giờ mới bắt đầu vào hồi nóng nhất. Năm 2020 trôi qua lành lặn, nhưng hóa ra mới là màn dạo đầu.


Đã có lúc, tưởng chừng như "cơn sốt" covid dần lắng xuống, chúng ta hồ hởi mơ mộng về một thế giới "hậu covid", một ánh sáng hy vọng cuối đường hầm.


Nhưng thực tế thì luôn phức tạp hơn ta nghĩ. Ánh sáng cuối đường hầm ấy hóa ra lại là một con tàu khác đang lao đến. Mình tự nhiên nhớ tới câu thoại George. R. R. Martin viết trong Game Of Thrones: "The night is dark and full of terrors" (màn đêm tăm tối và tràn đầy nỗi kinh hoàng).


Điều này chứng tỏ, những nỗi lo lắng từ những ngày đầu dịch bùng phát là chính đáng, nếu như đó là động lực để mọi người có ý thức hơn, tự bảo vệ mình và cộng đồng trong công cuộc chống dịch. Còn những người lạc quan thái quá, coi nhẹ vấn đề, khéo lại chính là những người làm dịch bệnh bùng phát thêm.


Cẩn trọng, đề phòng không phải là tiêu cực, không phải là bi quan. Đó là sự lạc quan được thể hiện bằng hành động, thay vì được đặt vào một niềm tin mù quáng.


 

Hôm trước mình có xem một buổi tranh biện (Munk debate) về chủ đề "Progress: are humanities best days lies ahead?" (lược dịch: bàn về sự tiến bộ: có phải những ngày tháng tươi đẹp nhất đang chờ đợi phía trước?). Buổi debate có sự tham gia của một vài cái tên lẫy lừng như Steven Pinker và Matt Ridley ở team ủng hộ, và Malcom Gladwell cùng Alain De Botton ở team phản đối.


Với những người xem trực tiếp, phần thắng thế dường như nghiêng về phía ủng hộ quan điểm rằng thế giới đang ngày càng tốt đẹp hơn. Những dẫn chứng họ đưa ra bằng số liệu dường như không thể nói dối: nhờ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, mà tuổi thọ của con người ngày một tăng, giảm thiểu được nạn đói, giảm thiểu được bệnh tật, chiến tranh cũng bị đẩy lùi...


Những viễn cảnh xấu có thể xảy ra, cũng được những nhà khoa học ở phe ủng hộ hạ thấp tầm hệ trọng, vì công nghệ sẽ liên tục phát triển để tìm ra câu trả lời cho mọi vấn đề, và ngày càng nhiều hơn những bộ óc thông minh làm việc cùng nhau trong một thế giới bình đẳng và toàn cầu hóa.


Những luận điểm này dường như hoàn toàn áp đảo phe phản đối. Họ cho rằng những nhà khoa học đang lạc quan đến "ngây thơ" khi mơ mộng vào một thế giới hoàn hảo hơn trong tương lai, khi chỉ biết viện dẫn số liệu trong quá khứ. Alain De Botton cho rằng, sự phát triển về vật chất không đảm bảo được đời sống tinh thần của con người, trong khi Malcom Gladwell khẳng định: sự tiến bộ về công nghệ cũng tạo điều kiện cho những tai họa mới không thể lường trước.


Tuy nhiên, những luận điểm này dường như không đủ sức nặng, và không thuyết phục được những vị khán giả vốn đã quen được nuông chiều trong thế giới tư bản, ôm lấy những viễn cảnh ngọt ngào dạt dào hy vọng.


Một điểm đáng lưu ý là cuộc tranh luận này diễn ra vào 2015, trước khi thế giới rơi vào khủng hoảng dịch bệnh, và thậm chí, trước cả Trump.


Điều này cho thấy, đứng trước sự mơ hồ vô định của tương lai, bất kỳ viễn cảnh nào cũng có thể xảy ra. Từ những viễn cảnh đẹp đẽ nhất cho tới những viễn cảnh tồi tệ nhất. Và, chỉ cần một viễn cảnh tồi tệ thôi, là đủ để "vạch trần" sự thật rằng cái xã hội loài người mà chúng ta đang sống mỏng manh và dễ vỡ đến nhường nào.


Phe phủ nhận sự tiến bộ, mặc dù nghe có vẻ tiêu cực và làm nhiều người nhíu mày, và tuy phải nhận lấy phần thua trong cuộc tranh luận, hóa ra mới là những người thực tế hơn cả. Viễn cảnh về một cơn đại dịch đã được Malcom Gladwell cảnh báo từ 2015, nhưng khi nó xảy đến loài người vẫn không kịp trở tay.


Bên cạnh đó thì, cơn khủng hoảng tâm lý của những căn bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu... tuy không kém vô hình hơn, nhưng cũng vẫn là một mối lo ngại thường trực của bất kì xã hội hiện đại nào. Những lo ngại của Alain De Botton không phải là thừa thãi.


Vậy nên, đặt ra ngờ vực cho sự tiến bộ đâu có nghĩa là bi quan. Ngược lại mới đúng, đó là một sự lạc quan về một thế giới tốt đẹp hơn sau cùng. Nhưng, đó nên là một sự "lạc quan thực tế", được củng cố bằng hành động cụ thể của mỗi cá nhân, mỗi tập thể, thay vì một sự "lạc quan mù quáng" cho rằng: khi vấn đề xảy ra, một ai đó khác sẽ giải quyết cho mình.


 

Đại dịch lần này đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống của tất cả, nếu không muốn nói là hủy hoại và lấy đi mạng sống của một phần không nhỏ những người kém may mắn hơn.

Những nỗi bực mình, những nỗi bí bách khi cuộc sống bình thường bị gián đoạn, và chúng ta bị giam chặt trong nhà qua ngày tháng, có lẽ đã quen thuộc đến phát chán. Vậy có nên bi quan hay không?


Cuộc đời tuy không phải màu hồng, nhưng cũng đâu nhất thiết phải là màu đen. Chúng ta có quyền lạc quan chứ. Không lạc quan thì lấy đâu ra động lực để vượt qua những khó khăn này?


Thế nhưng đó cần phải là một sự "lạc quan thực tế" chứ không phải "lạc quan mù quáng". Chúng ta phải tự mình đảm bảo những biện pháp phòng dịch thật tốt từ góc độ cá nhân mỗi người trước, thay vì thờ ơ bất cẩn phó mặc vào bất kì ai khác.


Lúc ấy chúng ta mới có cơ hội để mơ mộng về một thế giới "hậu covid". Còn không, thì "màn đêm tăm tối và nhiều nỗi kinh hoàng" vẫn cứ còn dai dẳng mãi.


Tương lai ẩn chứa nhiều viễn cảnh xấu, và cẩn trọng không bao giờ là thừa.


Cosmic Writer


Bình luận


bottom of page