Bước vào cuộc đời, tôi nhận thấy nhiều người trẻ đang gặp phải nỗi lo không biết mình thích gì, không biết chọn ngành học nào, không biết xin việc vào đâu…
Cái cảm giác hoang mang khi đứng trước một tương lai không rõ ràng, khiến một người tưởng như bị thế giới này nuốt chửng:
“Thời gian này quả thật rất đáng sợ đối với mình, mình gần như khủng hoảng, chỉ sợ ra trường thất nghiệp và bị nói nọ kia…”, một bạn sinh viên năm 4 từng chia sẻ như vậy trong một cộng đồng nhỏ tôi quản lý.
Hệ quả là quãng thời gian tuổi trẻ được dành ra để… nằm dài trên giường, hoặc chạy trốn vào những thú vui tiêu khiển nào đó, một sự giải thoát nhất thời khỏi hiện thực cuộc sống đầy áp lực.
...
Nhìn quanh, tôi thấy có quá nhiều người trẻ đang mông lung trong sự thiếu mục tiêu như vậy. Nhưng đây không phải chỉ là vấn đề về trách nhiệm bản thân (personal responsibilities), mà thực chất còn phức tạp hơn thế:
Nhiều bạn thậm chí đã có cho mình mục tiêu, nhưng vẫn không biết phải di chuyển thế nào để đi được tới nơi. Nhất là khi tấm bản đồ họ được gia đình và xã hội trao vào tay nay đã lỗi thời. Thế giới ngày nay đang liên tục thay đổi, và thậm chí thay đổi ngày càng nhanh, khiến cho bất kì một mục tiêu dài hạn nào được đặt ra cũng đều dễ dàng sụp đổ, như một toà lâu đài cát bị nghiền nát trước những cơn sóng của sự đổi mới.
Chẳng hạn như sự phát triển của công nghệ A.I đang đe doạ tính ổn định của nhiều ngành nghề. Sự trỗi dậy của Midjourney trong thời gian gần đây đang cho thấy: bản thân sự sáng tạo mà con người vẫn luôn tự tin rằng máy móc không thể làm được, cũng có thể được tự động hoá bởi các thuật toán, và đặt dấu chấm hỏi cho tương lai của các nghệ sĩ.
Trí thông minh nhân tạo có thể mở ra những cơ hội mới, cũng có thể đẩy nhiều người đến cảnh thất nghiệp (như Yuval Noah Harari dự đoán: những vị trí lao động kỹ năng thấp sẽ dễ bị thay thế nhất). Nhưng hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo (the A.I revolution) sẽ thay đổi cấu trúc của thị trường lao động ở quy mô lớn. Đó là còn chưa kể đến nhiều cuộc cách mạng công nghệ khác cũng đang trong thời kỳ thai nghén.
...
Trước viễn cảnh thế giới đầy biến động như vậy, tôi nhận thấy người trẻ ngày nay đang phải chịu những thách thức quá lớn. Kịch bản “tìm được một công việc ổn định lâu dài”, vốn là một lựa chọn an toàn và phổ biến với những thế hệ trước, nay trở thành một canh bạc nhiều rủi ro.
Khi “luật chơi” liên tục thay đổi, “chiến thuật” cũng cần có sự đổi mới.
Vậy nên tôi nghĩ: một kỹ năng quan trọng của kỷ nguyên sắp tới, bên cạnh việc nắm bắt được “luật chơi”, còn là năng lực thích nghi với những sự thay đổi.
Để giữ được mình ổn định trong một thế giới không hề ổn định, đòi hỏi ở mỗi người sự trưởng thành về cảm xúc. Bên cạnh đó là không bám chấp vào một kế hoạch dài hạn nào quá cứng nhắc, mà nên có cho mình sự linh hoạt để có thể tái định hướng theo sự luân chuyển của thời thế. Một kịch bản chi tiết không hữu ích bằng khả năng quan sát và ứng biến.
Đây không phải chỉ là chạy theo xu hướng đơn thuần, mà cần bắt nguồn từ những gốc rễ vững vàng, để sóng gió bên ngoài không làm mình chao đảo.
...
Việc xác định hướng đi sự nghiệp, do đó không phải chỉ đơn thuần là lựa chọn lấy một phương án trong danh sách các lĩnh vực, ngành nghề hiện có, và rồi cam kết cả cuộc đời với nó. Vì bản danh sách ấy có thể biến đổi theo thời gian, thậm chí thay mới hoàn toàn chỉ sau vài cuộc cách mạng.
Thay vào đó, tôi cho rằng người trẻ cần phải hướng về bản thân mình trước nhất. Đây không phải chỉ là đầu tư cho bản thân kiến thức, kỹ năng chuyên môn, khiến mình trở nên “đắt giá” và không thể bị thay thế. Mà còn cần đến một cái hiểu sâu sắc về con người mình, nắm rõ những phẩm chất của mình, cơ hội của mình, và biết mình muốn tạo ra những giá trị gì cho bản thân và xã hội. Đồng thời cũng là cởi bỏ đi áp lực của sự kỳ vọng, nhất là những sự kỳ vọng được kế thừa từ những tiêu chuẩn xưa cũ.
Để hình thành được một cái hiểu như vậy cần phải có thời gian. Bên cạnh việc tự soi chiếu chính mình, còn cần đến những trải nghiệm va chạm thực tế. Sự kiên nhẫn trong giai đoạn này là hết sức cần thiết.
Khi đã sáng tỏ hơn về mình, người trẻ mới có thể tìm được cho mình định hướng. Mục tiêu có thể thay đổi linh hoạt tùy theo hoàn cảnh bên ngoài. Nhưng định hướng thì không, vì nó sẽ xuất phát từ sâu trong mỗi người, là giá trị nền tảng được tham chiếu trước những ngã rẽ quan trọng.
Nhờ có sự kết nối như vậy với chính mình, một tương lai “bất khả tiên liệu” mới không còn làm ta hoang mang.
Cosmic Writer
コメント