"Có bao giờ bạn có cảm giác rằng: mình phải tạo một vỏ bọc tích cực bên ngoài để đối phó với mọi người xung quanh, nhưng thực chất bên trong lại cảm thấy trái ngược hoàn toàn chưa?"
Hôm qua, tôi tình cờ bắt gặp câu hỏi này trong một cộng đồng nhỏ của mình. Trải nghiệm này quen thuộc đến nhói lòng, vì đây chính là hình ảnh của tôi nhiều năm trước.
Chúng ta đều quý mến những người tích cực. Sự nhiệt thành, năng động, lạc quan của họ khiến những người xung quanh như được "thơm lây". Ngược lại, những người tiêu cực đôi khi làm trùng xuống bầu không khí.
Nhận thức được điều này, chúng ta tự khoác lên mình một vỏ bọc "tích cực" để hòa nhập với số đông. Trong học thuyết xã hội của Erving Goffman, hiện tượng này gọi là "quản lý ấn tượng" (impression management), có nghĩa là việc chúng ta luôn có xu hướng muốn kiểm soát hình ảnh của bản thân trong mắt người khác. Chúng ta muốn hình ảnh ấy thật đẹp, thật tươi, vì những ích lợi hiển nhiên đi kèm.
Động cơ này trong những giao tiếp xã hội là rất phổ biến. Ví dụ như khi bạn hỏi ai đó "dạo này thế nào", có lẽ bạn chỉ đang kỳ vọng một câu trả lời "tôi ổn" có tính xã giao để tiếp nối câu chuyện, chứ không có ý muốn làm nhà trị liệu để nghe người kia trút hết tâm can.
Tuy vậy, khi mình cảm thấy thật sự không ổn, việc "gồng" lên để tỏ ra tích cực, sẽ chỉ tự khiến bản thân lạc lõng hơn với vấn đề của mình. Sự buồn bực càng chồng chất, chiếc mặt nạ xã giao càng chật chội. Càng cố thể hiện rằng mình ổn, ta lại chỉ càng thấy tệ hơn.
Vậy cần xử lý những tình huống như vậy thế nào? Theo tôi, ta có thể bắt đầu từ việc thách thức ở bản thân một định kiến cố hữu:
Sự tiêu cực, có lẽ không đáng ghét đến thế.
Tôi không nghĩ có ai sống được hết cuộc đời mà "luôn vui tươi", không một ngày nào cảm thấy mệt mỏi thất vọng. Những khi lòng âm u, có lẽ là một phần không thể chối bỏ của đời người. Thậm chí có quan điểm, chính những ngày buồn làm những ngày vui càng thêm giá trị.
Khi tâm tư đang bị xáo trộn, thứ chúng ta cần là tìm được một người thân tín sẵn sàng lắng nghe, thấu hiểu, chấp nhận, và giúp chúng ta sắp xếp lại những bộn bề bên trong. Những cảm xúc ấy cần được ta đối diện, chứ ngoảnh mặt đi không làm chúng tiêu tan.
Vậy nên: ta có thể giữ chiếc mặt nạ trước mắt người ngoài, nhưng nên học cách gỡ bỏ nó xuống với ai đó khi thật sự cần thiết.
Việc này đương nhiên chẳng dễ dàng. Vì đôi khi ta lo sợ rằng những tâm tư ấy sẽ bị phủ nhận, bị phán xét, và việc ấy là hoàn toàn có thể. Nhưng nếu ta tìm đến đúng người, có khi ta lại ngạc nhiên khi thấy họ trân trọng việc ta tin tưởng họ để sẻ chia.
Những người như vậy có khi đang ở ngay xung quanh mà ta chưa dám mở lòng để nhận thấy. Hoặc nếu không có ai, tôi nghĩ tìm đến sự trợ giúp của chuyên gia là giải pháp cần thiết.
Nói tóm lại, khi thật sự thấy không ổn, đừng gượng ép bản thân phải làm tròn vai diễn.
Hãy dành chút thời gian để tự cân bằng lại, hoặc tìm lấy một ai có thể giúp bạn được trở về là chính mình.
Cosmic Writer
Comments