Một đặc điểm chung tôi nhận thấy từ quan sát của mình là: khi chúng ta càng lớn, nhiều người càng có xu hướng tự “nhốt” mình trong những hạn chế của bản thân.
Họ không sẵn sàng học hỏi một điều gì mới, không dám tạo ra sự thay đổi như bản thân họ mong muốn, cho dù sự an toàn mà họ đang cố níu giữ chính là thứ đã dồn họ vào bế tắc.
Đây là một điều vô cùng đáng tiếc, vì tôi cảm nhận rằng: họ đang tự đặt ra một niềm tin giới hạn về bản thân, để rồi tự tay tước đoạt đi của mình những tiềm năng và cơ hội phát triển.
Có một sự ngược đời rằng: kể cả khi ta đã là một “người trưởng thành”, điều ấy không có nghĩa rằng sự "trưởng thành" của chúng ta đã hoàn tất, và những phẩm chất hay năng lực của ta sẽ cố định mãi như vậy.
Thực chất, dù bạn đang ở dấu mốc nào, ngã rẽ nào của cuộc đời, bạn cũng vẫn đang liên tục trưởng thành, liên tục thay đổi và chuyển hoá theo thời gian.
Trong khoá Essential Psychology, tiến sĩ Lê Nguyên Phương có giới thiệu một khái niệm được gọi là “neuroplasticity”, hay tính đàn hồi, linh hoạt của não bộ. Có nơi còn gọi đó là sự “khả biến thần kinh”.
Khái niệm này nói đến sự thật rằng: mạng lưới thần kinh trong não bộ con người có khả năng thay đổi và tái cấu trúc lại chính nó, dựa trên những gì một người trải nghiệm.
Sự linh hoạt ấy cho phép con người có thể học hỏi được những điều mới, nâng cao nhận thức của bản thân, và thích ứng được với những biến chuyển của điều kiện môi trường.
Khám phá này của các nhà thần kinh học đã khẳng định một sự thật rằng: tất cả chúng ta đều có những tiềm năng phát triển.
Đó có thể là việc khắc phục được một nhược điểm, cải tiến được năng lực của mình ở một lĩnh vực, thành thạo một kỹ năng chuyên môn, hoặc làm quen với những môi trường mới...
Nói cách khác, có những thứ hôm nay mình chưa làm được, không có nghĩa là ngày mai vẫn sẽ không làm được. Chỉ cần dành ra thời gian và sự chú tâm để học hỏi, luyện tập, thì vòng tròn năng lực của mỗi người sẽ dần được nới rộng.
Những sự tiến bộ như vậy, về lâu dài còn có thể mang lại hiệu quả rõ rệt trong cuộc sống. Như trong cuốn “Mindset” nổi tiếng của tiến sĩ Carol S. Dweck có chỉ ra: những người có tư duy phát triển (growth mindset) - tức tin vào khả năng phát triển của bản thân, thường sẽ đạt những thành tích cao hơn trong học tập và công việc so với những người có tư duy cố định (fixed mindset).
Về lâu dài, tính đàn hồi của não bộ cũng sẽ giảm dần khi chúng ta già đi. Tuy nhiên, tiến sĩ Lê Nguyên Phương cũng có gợi ý một vài phương pháp để giúp chúng ta duy trì và cải thiện được nó:
Đảm bảo chất lượng cho giấc ngủ và tập thể thao thường xuyên là những thói quen vô cùng hữu hiệu. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể chủ động trải nghiệm những hoạt động như: học một ngôn ngữ mới, chơi một loại nhạc cụ mới, khám phá những địa điểm mới, hoặc sáng tạo nghệ thuật...
Đối với tôi, tư duy phát triển cũng là tâm thế mà tôi tự áp dụng cho mình trên hành trình sáng tạo nội dung. Mọi thử thách đều sẵn sàng được đón nhận với một thái độ cầu tiến, vì tôi tin rằng quá trình trưởng thành của mình là sẽ mãi tiếp diễn.
Và nhờ thế, tôi đã có được rất nhiều trải nghiệm mới, cải thiện được trình độ ở nhiều khía cạnh, và có những bước tiến mà chỉ 1 năm trước thôi tôi còn chưa hình dung nổi.
Nhận thức được điều này, tôi hy vọng chúng ta sẽ không còn trì hoãn việc tạo ra những sự chuyển hóa như mình mong muốn, cũng không còn đánh giá thấp năng lực học hỏi và phát triển của bản thân.
Ở một góc độ nào đó, những trải nghiệm mà chúng ta lựa chọn, sẽ quyết định con người mà ta sẽ trở thành.
Và vì thế, mỗi chúng ta, đều có thể tự tạo ra chính mình.
Cosmic Writer
Comments