Hôm nay Hà Nội hạ nhiệt sau nhiều ngày nắng nóng cực độ, tình cờ thay tôi cũng hạ nhiệt sau nhiều ngày cháy phừng phừng với dự án mới.
Những cảm xúc chất chứa đã dồn nén trong lòng nhiều tháng qua có lẽ chỉ chờ có thế. Một chút không gian và thời gian để chúng được hiển lộ, và buộc tôi phải thực lòng đối mặt.
Sáng nay trong lúc nhâm nhi cốc cold brew, tôi mở lại một bài báo cũ trên trang An Ninh Thế Giới. Bài báo này tôi đã lưu về từ rất lâu, nhưng chưa có dịp nào đủ tự tin để thực sự nghiền ngẫm. Thật ra thì, tôi chỉ muốn có thứ gì đó trước mắt để giữ cho tâm trí mình hoạt động. Nhưng nào ngờ đâu, nó lại là một chất xúc tác quá mạnh, khiến cho những cảm xúc tưởng như đã cất gọn trong lòng bỗng lại tràn dâng lên như thuỷ triều.
Đó là một bài báo về ông nội tôi, đại tá tình báo Hà Mai.
Điệp viên tình báo... vào vai ông nội
Ông tôi sinh ra và lớn lên thuộc thế hệ tri thức tinh tuý của Hà Thành thời trước kháng chiến chống Pháp. Cách mạng tháng 8 đã tạo ra một bước ngoặt lớn lên cuộc đời của một chàng trai còn rất trẻ và nhiều mộng mơ.
Sự nghiệp cách mạng của ông có thể nói là rất thành công. Ông từng trực tiếp làm việc với những cái tên mang nhiều dấu ấn lịch sử như Võ Nguyên Giáp, Phạm Xuân Ẩn, Hoàng Minh Đạo… Ông là một nhân tố chủ chốt của lứa tình báo đời đầu, với 24 năm liên tục làm công tác huấn luyện và đào tạo, nhào nặn nên nhiều thế hệ điệp báo trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Nhưng trong mắt tôi, ông chỉ là ông nội. Trông ông cũng như bao người khác ở tuổi xế chiều: có mái tóc bạc, có vài nếp nhăn, và luôn vui cười thích thú khi có chút thời gian được dành ra với con cháu. Suốt tuổi thơ lớn lên cùng ông bà, tôi chưa từng nghĩ ông là một người đặc biệt.
Ừ thì ông cũng có những tài năng rất ấn tượng. Ông sử dụng tiếng Pháp lưu loát chẳng kém gì người bản ngữ. Trong sự nghiệp làm tình báo, ông thông thạo luôn cả tiếng Anh, để phục vụ cho công việc tìm kiếm và tổng hợp thông tin.
Đôi khi ông trút suy nghĩ vào những bài thơ, nửa thâm sâu, nửa châm biếm. Ông nuôi dưỡng tâm hồn con cháu chúng tôi bằng những vần điệu ấy mỗi lúc gia đình quây quần bên nhau dịp đầu xuân.
Mỗi buổi chiều, tôi lại được nghe tiếng đàn violin du dương đầy cảm xúc của ông, mà không hề hay biết rằng ẩn chứa trong những giai điệu cổ điển ấy là biết bao hoài niệm của một thời trai trẻ.
Hoà bình lập lại, ông vẫn dành hai mươi mấy năm tuổi già cống hiến cho việc dạy học ngoại ngữ, và làm nên tuổi thơ của nhiều thế hệ trẻ Hà Nội những năm 1980-2000.
Bước vào cuộc đời, tôi mới dần nhận ra là không nhiều người có thể làm được nhiều thứ như vậy. Thực sự tôi chưa gặp được mấy ai vừa có tài, vừa có đức, vừa đẹp trai lãng tử như ông nội tôi ngày đó.
Đằng sau cái vẻ ngoài bình thường như bao ông già khác, là một kho tàng những câu chuyện lịch sử, và một tấm gương mẫu mực về đạo làm người. Thật tiếc thay, đứa cháu này ngu muội, nên những câu chuyện hay ông kể, lọt vào tai này rồi rớt ra tai kia. Những chi tiết tôi không thể nào nhớ hết được, vì vốn sống lẫn vốn hiểu biết đều quá hạn hẹp so với của ông. Tất cả những gì còn lại trong tôi là những cảm nhận tuy mơ hồ nhưng thuyết phục về một nguồn năng lượng thanh liêm, thuần khiết, khiêm nhường, và đầy trí tuệ.
Nghề tình báo là một nghề thú vị, nhưng cũng đầy rẫy cạm bẫy và hiểm nguy. Và, nó hoàn toàn không giống với những khắc họa đầy phô trương hào nhoáng của Hollywood. Chí ít, tôi đã rút ra được cho mình điều ấy. Vậy nhưng, ngoài những tình báo thuộc dạng “siêu sao” như ông Phạm Xuân Ẩn, lịch sử ta, truyền thông ta, hầu như không nhắc quá nhiều đến họ – những vị anh hùng ẩn khuất trong bóng tối.
Tôi nghĩ, phần nào là do tính chất nghề nghiệp đã ngấm vào máu những người lựa chọn con đường này. Để sống sót được đến cùng với nghề tình báo, cần phải có nghệ thuật “ẩn thân” cực kỳ điêu luyện. Tình báo là một hoạt động đặc thù, công tác tình báo có những yêu cầu riêng khắt khe, đặc biệt là yêu cầu bí mật. Ông tôi từng kể về những người đồng đội đã bị địch bắt, bị tra tấn, và phải bỏ mạng vì những sơ suất dù chỉ rất nhỏ thôi nhưng cũng đủ để làm họ bị lộ thân phận.
Trong thư gửi ngành tình báo tháng 3/1948, Bác Hồ dạy:
“Tình báo là tai mắt của quân đội, trách nhiệm của nó rất quan trọng. Binh pháp nói: biết mình biết địch trăm trận đều thắng. Muốn biết địch thì phải có tình báo giỏi, muốn không cho địch biết ta cũng phải có tình báo giỏi”.
Có lẽ vì thế mà, những điệp viên tình báo “đến từng hơi thở” như ông tôi thường rất cẩn trọng và kín đáo về bản thân mình. Người nhà báo đến phỏng vấn ông tôi cũng nhận ra điều ấy: ông không chia sẻ quá nhiều về bản thân, nhưng lại tràn đầy cảm hứng khi kể về những người đồng đội, những người chiến hữu.
Ông tôi bảo, “nghề chọn người chứ không phải người chọn nghề”. Khéo chính cái sự nhẹ nhàng, khiêm tốn của ông đã giúp ông trở thành một điệp viên tình báo giỏi. Khéo chính cái sự cẩn thận, tận tâm của ông đã khiến ông trở thành một “thợ săn tin” đắc lực của tướng Giáp trong suốt nhiều năm.
Bác Hồ cũng nói: “người làm tình báo ắt phải có 4 đức tính: bí mật, cẩn thận, khôn khéo, kiên nhẫn.” Thật tiếc thay khi những phẩm chất ấy ngày nay không còn được đề cao.
Nhưng cũng thật buồn cười, là chính những phẩm chất ấy, khiến cho thằng cháu ngốc nghếch này ngày bé không nhận ra ông mình “đỉnh” đến thế nào. Tôi, cũng như những tên địch muốn lấy mạng người chiến sĩ cộng sản, đã bị vẻ ngoài hiền lành nhân hậu của ông đánh lừa không chút ngờ vực. Ông quả là một người tình báo giỏi.
Hành trình vô tận của tri thức
Một điều tôi cực kì khâm phục ở ông, mà tôi đã suy nghĩ rất lâu rồi nhưng chưa có dịp được chia sẻ, đó là tính ham học hỏi.
Tháng 10 năm 2019, sinh nhật ông tôi 93 tuổi, tôi tặng ông cuốn “Sapiens” rất nổi tiếng của tác giả Yuval Noah Harrari. Đó là ấn bản gốc bằng tiếng Anh. Cuốn sách kể về hành trình hình thành nền văn minh loài người trong suốt 100,000 năm. Theo dõi trên các cộng đồng thích đọc sách, tôi được biết nhiều bạn trẻ ngày nay gặp khó khăn với cuốn sách này, kể cả khi đã được dịch ra thành tiếng Việt.
Vậy mà chỉ trong vài tháng, ông đã đọc hết được cuốn sách gần 500 trang đó. Mỗi ngày ông mở ra đọc một chút, đều đặn, và bền bỉ. Vừa đọc, ông vừa tra từ điển để giải nghĩa những từ khó, và vừa dành thời gian để nghiền ngẫm, để hiểu sâu, để kết nối với những tri thức, trải nghiệm mà ông đã tích lũy được trong suốt gần một thế kỷ. Chứng kiến một cụ già 93 tuổi, giải quyết xong một cuốn sách tiếng Anh khó nuốt, lại còn bằng sự hào hứng và thích thú, hai vợ chồng tôi phải ngả mũ thán phục.
Đối với ông thì, việc đọc, việc tìm tòi, việc học hỏi những cái hay, cái mới, đâu phải chỉ là để cho riêng mình. Ở vai trò một người làm tình báo, đảm nhiệm vai trò tích lũy và truyền đạt những thông tin sống còn, thì bất kể kiến thức gì mới cũng đều tiềm tàng những vai trò quan trọng. Nhất là trong hai cuộc chiến không cân sức với đám đế quốc, thì những thông tin ấy khéo làm nên thành bại của cả dân tộc.
Lại nhớ tới một câu chuyện thời giải phóng miền Nam mà ông vẫn thường hay kể. Khi ấy, bộ đội ta chiếm giữ được Dinh Độc Lập. Nhiều người tranh thủ sự hỗn loạn để tranh giành nhau của cải, vật chất Mỹ ngụy để lại. Riêng ông lúc đó tìm vào thư viện, nơi không nhiều bóng người, và từ tốn giữ lại vài cuốn sách hay của quân đội Mỹ. Không lấy thì số sách ấy cũng sẽ bị đốt, ông kể, chi bằng đem về để xem ta có thể học hỏi được gì từ họ. Đến giờ, kho sách quý ấy ông để lại cho tôi vẫn còn nguyên, nhiều cuốn được xuất bản ở Mỹ từ những thập niên 50, 60, mặc dù nay đã nhuốm màu lịch sử.
Ông đã cho tôi thấy: tinh thần hiếu học là nền tảng cốt yếu của trí tuệ. Một khi tự cho mình đã biết đủ nhiều, mình đã hiểu đủ sâu, không cần phải học hỏi gì thêm nữa, thì khi ấy ta sẽ không chỉ dậm chân tại chỗ, mà còn đi thụt lùi, vì trí óc sẽ ngày một thoái hoá theo thời gian. Kiến thức ngoài kia là trời bể. Và mắt mờ, lưng đau, không làm khó được ông.
Nỗi cô đơn của một tình báo yêu âm nhạc
Kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi với ông là vào giữa năm 2019, khi tôi trở về nước sau mấy năm du học tại Úc. Ngồi trên máy bay trong suốt một chuyến bay dài, trong lòng tôi bộn bề nhiều xúc cảm, nhưng không biết làm gì cho thời gian trôi nhanh hơn. Vợ tôi bảo hay anh viết lách gì đó xem sao. Tôi đồng ý, và quyết định viết một bài thơ ngăn ngắn tặng ông.
Cũng giống như mọi người trong gia đình, lúc nhỏ tôi cũng được ông viết tặng nhiều bài thơ. 10 năm trước lúc tôi lên đường đi du học, ông còn làm hẳn một bài hát. Ông tôi là một người sống trọng tình cảm, luôn muốn dành sự vui thú sáng tạo của mình cho những người thân. Thế nhưng ngược lại, tôi chưa từng làm được những điều đó cho ông.
Vậy nên mà, khi gửi tặng bài thơ, ông xúc động đến bật khóc. Cả cuộc đời tôi chưa từng chứng kiến ông như vậy. Tình cảm gia đình là một thứ chất xúc tác mạnh, nó làm ông vô tình bộc lộ một phần con người thật của mình – con người mà suốt bao nhiêu năm làm tình báo ông phải học cách che giấu.
“Con hiểu ông”. Chỉ ba chữ thôi, ông vừa nói vừa nghẹn, mà khoảnh khắc ấy ý nghĩa với tôi vô cùng. Nhưng rồi tôi giật mình nhận ra: sự khiêm nhường, kín đáo về bản thân mình, có lẽ phải đánh đổi bằng sự cô đơn không mấy người hiểu thấu.
Ở tuổi 93, đôi tai ông không còn thông suốt như trước. Những giai điệu cổ điển ông dành trọn đam mê suốt cả cuộc đời, nay bị sức nặng thời gian làm cho chệch nhịp. Nhưng ông vẫn tiếp tục chơi violin, bằng thói quen, bằng trí nhớ, và bằng kỷ niệm. Tôi tin rằng những giai điệu ấy, tuy ông không tự nghe được, nhưng vẫn rộn ràng vang lên trong trái tim người nghệ sĩ. Những sợi dây đàn được làm bằng cảm xúc.
Là một người yêu nghệ thuật, tôi hiểu rõ trải nghiệm ấy.
Tại lễ viếng, mặc cho việc đã cố gắng giữ bình tĩnh suốt cả buổi, khi tiếng đàn violin trong trẻo ông từng chơi vang lên trong giây phút mặc niệm, cả gia đình tôi đều bật khóc. Đó là bài “Serenade” của Franz Schubert. Ai cũng đều tự thấy mình trong giai điệu ấy. Chúng gắn liền với quá khứ của mỗi người theo một cách riêng.
Kết
Những dòng tâm sự này, ông tôi sẽ không đọc được. Chúng đến hơi muộn, vì những áp lực cuộc sống cứ dồn dập cuốn tôi theo không ngơi được lúc nào. Hoặc, đó chỉ là những lời ngụy biện tôi tự tạo ra, để né tránh việc phải đối mặt với những cảm xúc từ tận đáy lòng.
Cuộc đời bí ẩn của đại tá tình báo Hà Mai không thể kể lại được hết chỉ trong vài dòng. Tôi thuộc dạng dốt lịch sử, nên không muốn bài viết này tượng trưng cho bất kì thứ gì nhiều hơn một bức tâm thư kể lại về ông nội. Những gì thuộc về lịch sử, xin nhường lại cho ai thực sự nắm rõ.
Đọc xong bài báo của người tác giả giấu tên, tôi thật sự muốn dành một lời cảm ơn chân thành cho vị ấy, vì vốn hiểu biết lịch sử, và lối hành văn điêu luyện, đã giúp ông tôi phần nào kể được câu chuyện của mình – một điều mà tôi luôn tiếc rằng mình chưa đủ trình độ để thực hiện.
Nhưng tôi luôn nghĩ rằng, ông vẫn sống trong tâm hồn tôi, trong những trang sách tôi đọc, trong những vần thơ tôi viết, trong những điệu nhạc tôi nghe. Những giá trị tinh thần ấy vẫn sẽ được tiếp diễn.
Còn tôi, với một kho sách đồ sộ về ngành tình báo mà ông để lại, tôi vẫn giữ ý định sẽ ngâm cứu dần dần. Hy vọng rằng trong 20 năm nữa, số sách ấy sẽ được chuyển hoá thành một kịch bản phim điện ảnh, như một lời tri ân dành cho ông, và cho những người điệp viên tình báo ẩn khuất đằng sau ánh đèn spotlight.
Cosmic Writer
Comments