Phát triển bản thân, theo mình, là một nhu cầu rất cơ bản của con người.
Theo mô hình tháp nhu cầu (hierarchy of needs) của Abraham Maslow, việc được hiện thực hóa bản thân, được sống đúng với những tiềm năng của mình, là động lực cuối cùng mà tất cả chúng ta đều đang hướng đến.
Cho dù mỗi người sẽ có một hướng đi khác nhau, một câu chuyện riêng biệt... mình nghĩ, hành trình phát triển bản thân, nhìn chung, sẽ tuân theo một số những quy luật có tính phổ quát, đúng với tất cả mọi người.
Những gì mình sẽ chia sẻ trong bài viết này không phải là những lời khuyên, hay những chỉ dẫn dành cho bạn. Đó là những quan sát và phân tích của mình về quá trình phát triển bản thân, dựa trên những gì tự bản thân mình đã trải nghiệm và chiêm nghiệm. Nó cũng được đúc kết từ những thất bại và thành công của chính mình và cả những người mình biết.
Nếu như bạn cũng đã và đang tạo ra sự thay đổi trong cuộc sống, mình nghĩ, bạn cũng có thể tự kiểm chứng được 5 quy luật sau đây.
Còn nếu như chưa, mình hy vọng, nó sẽ mang đến cho bạn thêm góc nhìn, và mindset đúng đắn cho hành trình nâng cấp bản thân. Chúng mình cùng tìm hiểu ngay bây giờ nhé.
1. Khởi đầu từ bên trong
Nguyên tắc đầu tiên mình muốn nói đến, cũng là một điều bản thân mình rất thấm thía. Sau rất nhiều nỗ lực thất bại, mình nhận ra:
Sự thay đổi không thể đến từ bên ngoài.
Điều này có nghĩa là gì?
Đó là, sẽ không ai có thể truyền động lực cho bạn được. Nếu như tự bản thân chúng ta không thật sự muốn thay đổi, không quan trọng là bao nhiêu cuốn sách, bao nhiêu khóa học, bao nhiêu lời khuyên chúng ta nhận được từ người khác... tất cả đều không có giá trị.
Nhưng nếu như bản thân chúng ta thật sự muốn thay đổi, mọi chuyện sẽ khác. Khi chúng ta nhận thức được sâu sắc rằng, cuộc sống của mình sẽ bế tắc nếu như mình không nâng cấp và phát triển bản thân. Khi ấy, chúng ta sẽ có một nguồn động lực vô cùng lớn.
Chúng ta sẽ tự đặt ra mục tiêu cho mình, tự kỷ luật bản thân để hướng đến mục tiêu đó, và chẳng cần ai phải nhắc nhở cả. Tự chúng ta sẽ nhắc nhở chính mình.
Như thời còn nhỏ, gia đình luôn khuyên mình phải đọc sách, phải tập thể thao… nhưng mình đều bỏ ngoài tai hết. Vì mình không thích, và cũng không hiểu những việc đó có ý nghĩa gì. Nhưng mãi sau này, đến khoảng năm 24 tuổi, mình mới ý thức được tầm quan trọng của việc phát triển bản thân.
Lúc ấy, mình đang trải qua một giai đoạn khó khăn. Mình nhận ra, trong khi mình vẫn đang loay hoay, những người bạn bằng tuổi đã đang bỏ xa mình rất nhiều lúc nào không hay. Ngay lúc bấy giờ, mình đã nghĩ: không được, mình phải thay đổi.
Mình bắt đầu đọc rất nhiều sách, vận động thể thao… hình thành cho bản thân những thói quen tích cực. Dần dần, cuộc sống của mình đã trở nên khởi sắc hơn một chút.
Lúc ấy, mình đang ở nước ngoài, không có gia đình hay ai bên cạnh để nhắc nhở. Mình lựa chọn thay đổi như vậy không phải vì mình nghĩ đó là điều nên làm. Mà đó là điều mình thật sự cần ngay lúc bấy giờ. Đó là yếu tố cơ bản nhất đã làm nên sự khác biệt.
Vậy nên mình mới thấy: mọi sự thay đổi đều cần phải bắt nguồn từ bên trong. Từ một sự thay đổi về nhận thức và tư duy, mới dẫn đến những sự thay đổi về hành động. Sự thay đổi về hành động mới dẫn chúng ta đến những kết quả tốt hơn trong cuộc sống thực tế.
Như trong cuốn Atomic Habits, tác giả James Clear cũng từng nói đến một ý tưởng tương tự. Đó là mô hình be-do-have.
Vậy nên, cuộc sống của chúng ta ở bên ngoài, phần lớn thời gian sẽ phản ánh lại những gì chúng ta có bên trong.
Nếu muốn có một cuộc sống tốt hơn, hãy bắt đầu từ chính mindset của mình, xác định cho mình một bản dạng mới, vì đó mới là gốc rễ cho những sự thay đổi tiếp theo sau đó.
Nếu như mình không tự giúp mình, sẽ chẳng ai giúp được cả.
Đọc tới đây, nếu như bạn muốn biết bắt đầu sự thay đổi từ mindset là như thế nào, hãy tìm hiểu thêm khóa học Growth Mindset mình sẽ ra mắt vào đầu tháng 5 sắp tới.
Hiện giờ, khóa học vẫn đang trong thời gian ưu đãi 20% học phí (cho tới ngày 04/05), nên bạn hãy đăng ký sớm để không bỏ lỡ cơ hội này nhé!
2. Phải đủ thời gian mới có kết quả
Một rào cản lớn nhất khiến nhiều người gặp thất bại, chỉ cố gắng được một thời gian ngắn là từ bỏ, theo như mình thấy, đó là việc mọi người không nhìn thấy được kết quả.
Nguyên nhân cho vấn đề này, có thể đến từ việc mọi người cố gắng chưa đúng cách. Bản thân phương pháp mọi người áp dụng đã sai, nên kết quả hiển nhiên là không đến.
Nhưng thực chất, phần lớn thời gian vấn đề đến từ sự kỳ vọng. Để mình giải thích rõ hơn:
Ngày nay, chúng ta đã quen với một cái nhịp sống rất nhanh. Internet cũng phải nhanh, giao hàng cũng phải nhanh, trả lời tin nhắn cũng phải nhanh...
Với tất cả tâm huyết bỏ ra, chúng ta cũng thường kỳ vọng sẽ phải được thấy kết quả ngay lập tức. Chúng ta cần những cái immediate feedback, những sự phản hồi trực tiếp để được củng cố niềm tin rằng mình đang đi đúng hướng. Nhưng thực tế nhiều khi không diễn ra như vậy.
Phát triển bản thân sẽ là một sự đầu tư cho chính mình, khi bạn phải chấp nhận bỏ ra thời gian và công sức trước mắt, để nhận lại được nhiều giá trị hơn về lâu dài.
Đọc được một chương sách không khiến bạn thông minh hơn.
Đi tập được một buổi không khiến bạn lập tức có thêm nhiều cơ bắp.
Thậm chí nếu bạn duy trì việc đó 1 tuần, 1 tháng, cũng chưa chắc đã thấy có kết quả gì.
Nhưng điều quan trọng nằm ở chữ “nhẫn”. Nó nằm ở sự kiên trì và đều đặn.
Nếu như bạn duy trì được 3 tháng, 6 tháng, 1 năm, 5 năm... mình tin, cuộc sống của bạn sẽ hoàn toàn thay đổi. Nếu như mỗi tháng bạn đọc được 1 cuốn sách, sau 5 năm, bạn sẽ đọc được 60 cuốn, như vậy là quá đủ để bạn có hiểu biết sâu sắc về một lĩnh vực chuyên môn nào đó rồi.
Như với mình, thời điểm mình bắt đầu thực hành thói quen thiền, mình không chắc nó sẽ mang lại kết quả gì cho mình hay không. Và thật sự những ngày đầu mình chẳng thấy gì cả.
Nhưng vì mình đã khám phá được quá nhiều tài liệu khoa học nói về lợi ích của mindfulness meditation, nên mình đã thử kiên trì với nó xem sao. Và cuối cùng, sau khoảng 3 tháng, mình mới dần cảm nhận được sự thay đổi.
Tâm trí của mình bắt đầu thông suốt hơn, làm gì cũng tập trung hơn, một ngày trôi qua một cách rất flow và nhẹ nhàng mà không còn bị ảnh hưởng quá nhiều bởi stress và áp lực công việc.
Vậy nên mình mới đúc kết được quy luật này: chỉ cần chúng ta làm đúng phương pháp, kết quả sớm muộn gì cũng đến.
Chúng ta chỉ cần kiên nhẫn, cho bản thân mình đủ thời gian.
Just trust the process.
3. Tăng trưởng lãi suất kép
Một trong số những nguyên tắc rất khó để nắm bắt bằng trực giác, đó là compounding effect, hay còn gọi là tăng trưởng lãi suất kép.
Lãi suất kép là khi bạn gửi 100 triệu vào ngân hàng, sau 1 năm bạn nhận được 7% lãi suất, bạn sẽ nhận được thêm 7 triệu.
Sang năm thứ 2, nếu cứ tiếp tục như vậy, bạn sẽ nhận được lãi suất từ cả gốc và lãi của năm trước, thêm 7.5 triệu.
Và nếu cứ tiếp diễn như vậy, thời gian càng tăng lên, mức lãi suất bạn nhận được hàng năm sẽ càng nhiều.
Với phát triển bản thân cũng vậy. Khi bạn duy trì và cam kết với hành trình này đủ lâu, giá trị mà bạn nhận được từ nó cũng ngày càng nhiều hơn.
Đây là nguyên lý của continuous improvement, hay sự cải tiến liên tục, gọi là the philosophy of kaizen trong triết lý của người Nhật. Hay như tác giả James Clear từng thể hiện điều này bằng một minh họa toán học rất nổi tiếng:
Nếu như mỗi ngày bạn có sự tiến bộ hơn 1%. Cho dù là ở bất kì phương diện nào đi chăng nữa: sức khỏe, trí tuệ, hay tâm hồn… và nếu như bạn duy trì sự tiến bộ đều đặn đó xuyên suốt trong vòng 365 ngày, khi đó:
1.01^365=37.78
Bạn sẽ tốt hơn 37.78 lần so với ngày đầu tiên!
Nghe có vẻ vô lý, vì khó có thể hình dung được tốt hơn 37.78 lần nghĩa là như thế nào.
Nhưng ví dụ này vẫn minh họa được rõ nét sức mạnh âm thầm nhưng khủng khiếp của lãi suất kép. Chỉ từ những tiến bộ nhỏ bé và đơn giản mỗi ngày, sẽ đến lúc chúng ta đạt đến một level khác. Nhiều khi chẳng cần 1%, chúng ta tiến bộ được 0.01% thôi cũng đã là tốt lắm rồi.
Lý do cho xu hướng này là gì? Từ trải nghiệm của mình, mình thấy:
Năm 2018, mình bắt đầu có thói quen đi tập gym. Lúc ấy, mình mập hơn bây giờ rất nhiều. Luyện tập là một thói quen mình đã từng thử không ít lần trước đó, nhưng lần nào cũng thất bại, cứ được vài hôm hoặc cùng lắm vài tuần là từ bỏ.
Nhưng vì nhiều lý do, lúc ấy mình thật sự muốn thay đổi, quyết tâm hơn hẳn những lần trước để vượt qua được sự lười biếng của bản thân. Và lần này mình làm được.
Mình đi tập được một cách đều đặn và thường xuyên, mình bắt đầu get in shape, và việc hình thành được một thói quen khó như vậy đã khiến cho mình cảm thấy vui và tự hào.
Sau đó, để bổ trợ cho thói quen tập luyện này, mình quyết định tìm hiểu thêm về dinh dưỡng, để ý nhiều hơn đến lượng thức ăn và các chất mình nạp vào cơ thể. Bên cạnh đó thì trong lúc tập, mình chuyển từ nghe nhạc sang nghe audiobook, nên vừa rèn luyện được thể chất vừa nạp thêm được kiến thức mới.
Chỉ từ một thói quen luyện tập, nó trở thành nền tảng, là đòn bẩy để giúp mình tiếp tục hình thành được thêm các thói quen khác. Sau đó nữa là đọc sách, thiền, viết lách, đi ngủ sớm…
Mình thật sự đã rất bất ngờ với hiệu ứng compounding effect như vậy. Mọi thứ cứ nối tiếp nhau như một dải domino, và mình cảm thấy biết ơn vì đã tạo được sự thay đổi đầu tiên khi đó.
Mình nhận thấy: khi một khía cạnh của cuộc sống được cải thiện, sự cải thiện đó cũng sẽ được lan tỏa sang các khía cạnh khác.
Hình thành được một thói quen tốt, giúp chúng ta được cảm thấy tự tin hơn, cảm thấy rằng mình có thể làm bất cứ thứ gì. Chúng ta biết cách để kỷ luật bản thân mình hơn, biết cách để tự tạo ra những sự thay đổi, và đó chính là tiền đề để chúng ta có thể tiếp tục nhân sự phát triển đó lên.
Khi cuộc sống được vận hành xoay quanh những thói quen tốt, mọi thứ sẽ có sự chuyển biến ngày càng rõ nét.
Bạn sẽ ngày càng nâng cao được giá trị bản thân mình, phát triển cả về hiểu biết, về sức khỏe, về tinh thần, để từ đó lại có thể làm được càng nhiều thứ hơn nữa.
4. Sự tiến bộ có tính lan tỏa
Một sự thay đổi tích cực sẽ có tính lan tỏa.
Nhưng không phải chỉ là đến những khía cạnh khác ở bản thân như mình vừa nói, mà thậm chí còn sẽ lan tỏa đến cả những người xung quanh.
Đây chính là hiệu ứng social contagion mình đã từng nhắc đến không ít lần trong những nội dung trước đây.
Đây cũng là điều mà bản thân mình ngày xưa chưa từng nghĩ đến, cho đến khi mình trực tiếp quan sát thấy hiệu ứng của nó xung quanh mình. Thời điểm mình bắt đầu tập luyện thường xuyên hơn, mình cũng bắt đầu giảm được cân nặng.
Vóc dáng của mình ổn hơn, sức khỏe trở nên tốt hơn, mình cảm thấy tự tin hơn, và điều đó gián tiếp truyền được cảm hứng đến cho những người thân xung quanh mình. Mọi người cũng bắt đầu để ý hơn đến vấn đề sức khỏe, quan tâm hơn tới việc rèn luyện thể chất để tốt cho chính họ.
Mình không hề trực tiếp tác động gì đến ai cả. Mà bản thân việc mình trở nên tốt hơn, khiến cho người khác cũng muốn có được sự thay đổi như vậy. Nếu như mình làm được (và chứng minh được điều đó), người khác cũng sẽ tin là họ làm được.
Và có thể, họ đã có sẵn những ý muốn phát triển bản thân mình, nhưng vì sự trì hoãn, vì không biết bắt đầu từ đâu, vì cảm giác hoang mang nên chưa tạo được sự thay đổi đó cho bản thân.
Việc chứng kiến sự tiến bộ của mình tình cờ tạo thành chất xúc tác dành cho họ.
Về phía mình, mình nghĩ, nếu như khoảng mấy năm trước, mình không nghiêm túc tạo ra sự thay đổi, làm một điều gì đó có ý nghĩa hơn cho cuộc đời mình, thì có lẽ, đã không có kênh YouTube Cosmic Writer ngày hôm nay để mình chia sẻ những câu chuyện này.
Và trong hành trình ấy, mình hy vọng rằng, bản thân cũng đã tạo ra được thêm giá trị, lan tỏa được những bài học ý nghĩa đến với những người yêu quý theo dõi.
Điều mình muốn rút ra chính là: đừng bao giờ đánh giá thấp những nỗ lực của mình.
Chỉ một sự thay đổi nhỏ thôi cũng có thể tạo ra ripple effect, lan tỏa ra xung quanh như những gợn sóng trên mặt hồ nước, và tạo ra những tầm ảnh hưởng mà nhiều khi chúng ta không thể nhìn thấy được.
Ngày hôm nay mình gieo một hạt mầm, rất có thể ngày mai nó sẽ mọc thành cả một rừng cây. Mình luôn tin vào điều này.
Vậy nên: việc bạn trở nên tốt hơn, cũng chính là đang gián tiếp giúp thế giới xung quanh bạn được trở nên tốt hơn.
5. Một hành trình không có điểm đến
Vậy cái đích đến của phát triển bản thân là gì?
Mình nghĩ phần lớn mọi người sẽ thường bắt đầu hành trình này khi đang cảm thấy mình tệ, và chúng ta muốn thay đổi điều đó: tài giỏi hơn, khỏe mạnh hơn, tự tin hơn.
Đó là một mục tiêu khá rõ ràng để hướng đến.
Nhưng khi chúng ta có sự nỗ lực và cam kết để theo đuổi, ít nhất là trong một khoảng thời gian, chắc chắn sẽ đến lúc chúng ta nhìn thấy những sự thay đổi, và nhận ra rằng: mình thực ra không tệ như mình vẫn luôn nghĩ.
Đến lúc ấy, vấn đề được giải quyết, chúng ta sẽ còn phải cố gắng vì điều gì nữa?
Trong quan niệm của Mark Manson, khi ấy, chúng ta đã thành công đi từ tệ cho đến bình thường.
Nhưng thực chất, hành trình phát triển bản thân sẽ còn mang lại nhiều giá trị hơn nữa nếu như chúng ta quyết định đi từ bình thường cho đến tốt, hay thậm chí là tốt cho đến xuất sắc.
Khi ấy, nỗ lực của chúng ta không còn là để thoát ra khỏi điều tiêu cực, mà sẽ còn là để khám phá thêm những điều tích cực. Để hiện thực hóa những tiềm năng của mình, để xem coi mình còn có thể vươn xa được đến đâu, có thể làm được những gì.
Với một tâm thế vô tư và thoải mái hơn như vậy, thì mọi bước tiến, mọi sự phát triển, đều sẽ là những món quà.
Chúng ta sẽ cảm thấy trân trọng từng chút tiến bộ của mình. Không phải chỉ vì một cái đích nào đó mình cần phải đạt được, mà chính là vì quá trình ấy mang lại cho chúng ta nhiều niềm vui, gợi ra từ bên trong chúng ta cái gọi là “intrinsic motivation”, hay là một nguồn động lực nội tại. Một sự thỏa mãn tự thân chứ không phải vì mình kỳ vọng sẽ nhận được phần thưởng gì từ bên ngoài.
Đối với mình, không có điều gì ý nghĩa hơn việc những nỗ lực của mình tạo thành kết quả, được chứng kiến bản thân trở nên tốt hơn mỗi ngày. Và khi mình trở nên tốt hơn, mình cũng được trải nghiệm cuộc sống một cách tích cực hơn, trọn vẹn hơn và sâu sắc hơn.
Vì những lý do đó, mình cho rằng:
Phát triển bản thân là một hành trình không có đích đến. Tự bản thân hành trình đó cũng đã là mục đích rồi.
Final thoughts
Trên đây là những gì mình đã đúc kết được từ trải nghiệm của bản thân.
Sau khoảng vài năm qua, cuộc sống của mình đã thay đổi rất nhiều. Mặc dù chưa phải là người thành công hay một thứ gì ghê gớm, nhưng mình có thể tự tin thừa nhận, mình đã trở thành một phiên bản tốt hơn trước.
Và mình chỉ muốn nói thêm điều này: hành trình phát triển bản thân thật sự không dễ dàng. Trong suốt khoảng 5 năm vừa qua, cũng đã có nhiều lúc mình bị mất cảm hứng, và bị rơi vào những vòng lặp cũ. Lại lười biếng hơn, lại tiêu cực hơn, bị đánh mất đi những thói quen tốt và lặp lại những thói quen xấu...
Nhìn chung, sẽ có những trở ngại, những bước lùi tất yếu trên hành trình này… Và nó sẽ đòi hỏi mình phải thật sự, thật sự cam kết với bản thân, cố gắng và kỷ luật từng chút mỗi ngày mới có thể đi được xa và nhận được nhiều giá trị từ đó.
Mình thật sự hy vọng rằng, nếu như đã đọc đến hết nội dung này, bạn cũng sẽ có được sự cam kết với bản thân như vậy, và tự mình tạo ra được phiên bản tốt hơn như chính bạn mong muốn.
Nếu như bạn đã sẵn sàng cho điều này, mình không còn điều gì để nói thêm nữa cả, ngoài việc chúc bạn thành công trên con đường mà bạn sẽ đi.
Nếu như việc phát triển bản thân và làm chủ cuộc sống của mình cũng là một sứ mệnh quan trọng bạn đang theo đuổi, mình muốn giới thiệu với bạn chương trình Self-mastery Series.
Đây là chuỗi các khóa học về phát triển bản thân, được mình thiết kế và xây dựng để giúp bạn đạt được tự chủ trong cuộc sống một cách hiệu quả nhất.
Bàn sâu đến những chủ đề quan trọng như cải thiện sự tập trung, quản lý cảm xúc, tư duy cầu tiến, kỷ luật bản thân... mình tin đây sẽ là những kỹ năng nền tảng mà bạn cần trang bị trên hành trình trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Chương trình hiện đang được ưu đãi lên đến 40%, có hiệu lực cho tới hết ngày 30/04. Bạn có thể tham khảo thông tin và đăng ký tại đây: https://www.cosmicwriter.co/self-mastery
Và ok, rất cảm ơn bạn đã nghe mình chia sẻ. Và hẹn gặp bạn ở những nội dung khác.
Hà Minh a.k.a Cosmic Writer
Comments