Bài viết này được xuất bản không vì mục đích tạo động lực cho ai.
Vì nếu như bạn không chủ động tự tạo ra động lực cho mình, không ai khác có thể làm thay cho bạn được.
Mình quan niệm rằng, “động lực” là nội lực để hành động.
Nó có thể được bổ trợ bởi những yếu tố bên ngoài, nhưng vẫn cần phải được khởi phát từ bên trong mỗi người.
Trong nội dung này, mình chỉ muốn đúc kết lại một số bài học về động lực mình đã tự rút ra cho bản thân trong vòng khoảng 2 năm vừa qua.
Kể từ khi mình làm việc tự do, hầu như không có ai ngăn cản mình ngủ nướng, chơi game, hay tiêu tốn thời gian vào những việc không quan trọng.
Vậy nên, mình vẫn luôn phải tự tạo ra động lực cho bản thân để làm những việc mình cần làm. Và thật sự, việc này không phải lúc nào cũng dễ dàng.
Cũng có những lúc, mình bị rơi vào chán nản và cảm thấy muốn trì hoãn. Có những hôm, mình lướt điện thoại nhiều hơn mức giới hạn đặt ra. Lại có những ngày, mình thức dậy nhưng lại tắt báo thức rồi nằm ngủ tiếp.
Thế nhưng, mình cảm thấy may mắn vì chính việc trải qua nhiều lần bị mất động lực như vậy, mình mới dần học được cách để làm chủ được tốt hơn kỹ năng sống này. Kỹ năng tự tạo ra động lực cho bản thân mình.
Vậy nên, mình hy vọng, những bài học này sẽ mang đến cho bạn một góc nhìn khác về động lực, giúp bạn có thêm một chút cảm hứng để trở nên hiệu quả hơn trong cuộc sống, và bắt tay vào thực hiện những việc bạn đã luôn muốn làm nhưng vẫn chưa bắt đầu làm.
1. Tầm nhìn và mục tiêu rõ ràng
Sau khi trải qua một quãng thời gian dài mông lung của tuổi trẻ, mình nhận ra, một trong số những nguyên nhân lớn nhất khiến mình trì hoãn, không hẳn là vì mình lười, mà vì mình còn đang cảm thấy rất mơ hồ về bản thân.
Cụ thể hơn, mình không biết mình nên hướng đến điều gì, cố gắng vì điều gì, và cần phải làm những gì?
Mình thiếu đi một yếu tố, gọi là “clarity” (sự rõ ràng), và đó cũng chính là lý do khiến mình cảm thấy bị chững lại.
Giống như khi đang đi trên một con đường, phía trước là một lớp sương mù khiến mình không nhìn rõ, mình cũng sẽ không đủ tự tin và sẵn sàng để nhấn ga hướng về phía trước. Sự mơ hồ khiến mình cảm thấy lo sợ.
Nhưng khi mình dần có được câu trả lời cho những vấn đề này, rằng mình thật sự muốn gì, tự nhiên mọi thứ trở nên rõ ràng.
Thậm chí, khi tầm nhìn của bạn càng rõ ràng, động lực của bạn sẽ càng khủng khiếp.
Vậy nên mình cho rằng, chỉ cần bạn sáng tỏ về việc mình đang hướng đến điều gì, có cho mình một mục tiêu phù hợp và quan trọng với bạn, có sự đồng nhất với giá trị sống của bạn, việc bạn hành động để hướng về nó sẽ là một sự lựa chọn cực kì dễ dàng.
Như với mình, nhờ việc đặt ra những mục tiêu cụ thể, nên trong năm 2023 mình đã có được những bước tiến tương đối đáng kể trong cuộc sống và sự nghiệp.
Khi mình đã có được những sự tiến bộ như vậy, việc mình đạt được mục tiêu sớm hay muộn không còn quá quan trọng nữa.
Miễn là mình vẫn đang hành động mỗi ngày để hướng về phía trước, đi nhanh hay chậm không còn là vấn đề.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc thấu hiểu bản thân, cùng với những trải nghiệm đắt giá trong suốt những năm tháng trưởng thành, mình đã thiết kế và ra mắt khoá học Know Thyself (Viết để thấu hiểu bản thân). Khoá học sẽ giúp bạn vượt qua cảm giác mông lung và thiếu định hướng. Bạn có thể tham khảo tại đây nhé.
Các nghiên cứu trong tâm lý học cũng đồng ý với quan điểm này.
Như một nghiên cứu khá nổi tiếng trên Journal of Applied Psychology cho rằng: khi một người càng cảm thấy rõ ràng về mục tiêu họ muốn đạt được, cũng như những cách thức cụ thể để có thể thực hiện, họ sẽ càng có khả năng cam kết hơn với mục tiêu đó, và sẵn sàng bỏ ra nỗ lực để theo đuổi nó.
Vậy làm sao để có được cho mình một tầm nhìn rõ ràng?
Từ trải nghiệm của bản thân, mình thấy:
Câu trả lời sẽ thường hiện ra rõ hơn sau một quá trình làm bạn và thấu hiểu chính mình, trải nghiệm và chiêm nghiệm nhiều hơn.
Một vấn đề mình cũng như nhiều người trẻ gặp phải, là đặt ra những mục tiêu rất chung chung và mơ hồ. Việc này tất nhiên không sai, vì có mục tiêu cho bản thân cũng đã là tốt. Thế nhưng, để nó trở nên hiệu quả, chúng ta sẽ cần phải có sự phản tư, tự đặt ra câu hỏi cho bản thân để có thể cụ thể hóa được mục tiêu ấy.
Chẳng hạn như, khi bạn nói rằng muốn mình tài giỏi, hãy khắc họa một cách chi tiết hơn rằng "tài giỏi" cụ thể là thế nào, bạn sẽ muốn mình làm được những gì, có những hiểu biết và kỹ năng gì, hoặc bạn cần phải làm gì, cần bao lâu để đạt được nó...
Nghe có vẻ sẽ khó khăn, nhưng mình tin, đến khi bạn có một tầm nhìn đủ rõ ràng, khi ấy, động lực sẽ được tạo ra cho bạn một cách hoàn toàn tự nhiên.
2. Phải hành động rồi mới có động lực
Chúng ta thường hay có một suy nghĩ: phải có động lực mới có thể hành động.
Chúng ta chờ đợi một khoảnh khắc xuất thần như vậy, để vượt qua được sự trì hoãn của mình.
Chúng ta nghĩ rằng: “kể từ mai mình sẽ workout thường xuyên, sẽ ăn uống healthy hơn, sẽ bắt đầu học cho bài assignment cuối kỳ, sẽ chính thức tạo trang blog của riêng mình”.
Nhưng phần lớn thời gian, ngày mai đó không bao giờ đến. Thậm chí có khi, bạn còn sẽ cảm thấy trì trệ hơn, tự cảm thấy có lỗi với bản thân vì đã hứa với như vậy nhưng vẫn không chịu làm.
Bản thân mình từng trải qua những vòng xoáy tiêu cực như vậy, và mình rút ra một điều quan trọng:
Có động lực để hành động là quá dễ. Nhưng hành động kể cả khi không có động lực, mới là thử thách giúp chúng ta rèn luyện nhân cách của mình.
Nó giúp chúng ta phát triển được kỷ luật bản thân. Một năng lực tự kiểm soát được mình và không bị khuất phục trước những ham muốn trì hoãn.
Nhiều khi, chúng ta trì hoãn vì nghĩ rằng mình thiếu động lực, nhưng sự thật là vì chúng ta thiếu kỷ luật. Nếu như bạn không cam kết với những gì bạn nói là mình sẽ làm, bạn sẽ chỉ cảm thấy tệ hơn về mình, không thể tôn trọng được chính mình.
Trong cuốn “tìm mình trong thành phố nội tâm”, có một đoạn mình nói đến việc: động lực tạo ra kỷ luật, và ngược lại, kỷ luật cũng tạo ra động lực. Hai yếu tố này hoàn toàn có thể bổ trợ cho nhau.
Lý do mình có những suy nghĩ như vậy, là bởi:
Khi bạn tự giác hành động, và đến được gần hơn với những mục tiêu quan trọng của mình, bạn sẽ nhận ra những sự tiến triển rất rõ rệt.
Đó có thể là một thành quả nào đó hữu hình, một sự phát triển ở bản thân, hoặc chỉ đơn giản là một cảm giác tự hào bạn có về bản thân mình.
Đó sẽ là những phần thưởng rất ý nghĩa về tinh thần để khích lệ bạn, những dấu hiệu cho thấy bạn đang làm rất tốt, bạn đang đi đúng đường. Nó sẽ lại càng khiến cho bạn cảm thấy có động lực mạnh mẽ hơn để tiếp tục.
Theo như nguyên lý của thuyết kích hoạt hành vi (hay behavioural activation theory), bằng việc chủ tâm thực hiện một hành vi tích cực, cho dù cảm thấy có động lực hay không, bạn sẽ có thể kích hoạt được những cảm xúc tích cực, và giúp cho hành vi đó dễ dàng được củng cố và lặp lại về lâu dài.
Theo như những trải nghiệm của mình, đến khi bạn đã vào guồng, sẽ rất khó có thứ gì khiến bạn dừng lại được.
Thậm chí càng đi, năng lực và sự tự tin của bạn càng được phát triển, giúp bạn có thể đi được ngày càng nhanh hơn và xa hơn.
Hay nói cách khác, điều mình đúc kết ở đây là:
Đừng chờ đợi đến khi có động lực rồi mới làm. Mà nhiều khi phải làm rồi mới có động lực.
Nếu như có việc gì bạn đang cần phải làm, hãy cứ bắt đầu thực hiện, vì đó là cách tốt nhất để bạn có thể tự tạo ra động lực cho chính mình.
3. Chấp nhận cảm giác thiếu động lực
Tất nhiên, trong quá trình cố gắng, sẽ có những lúc bạn cảm thấy chán nản và mất động lực.
Có thể là vì thành quả mãi chưa thấy đến, tâm trạng tự nhiên bị trùng xuống, bạn bắt đầu cảm thấy nghi ngờ về mục tiêu của mình, hay thậm chí nghi ngờ về năng lực của chính bản thân.
Mình chỉ muốn nói rằng, đó là việc hết sức bình thường.
Chúng ta không phải những cỗ máy. Bạn tất yếu sẽ có những lúc cảm thấy không được là chính mình, không thể tiếp tục những việc bạn đang làm.
Việc đó không có gì sai cả. Động lực hiển nhiên sẽ không thể nào đạt được 100% mọi nơi mọi lúc được. Phong độ là nhất thời.
Vậy nên, đi cùng với đó, mình cho rằng, chúng ta cũng sẽ cần phải có sự kiên nhẫn với chính mình, đối xử với bản thân một cách tử tế và bao dung hơn một chút. Cho phép bản thân có thời gian để nghỉ ngơi, sạc lại năng lượng, chăm sóc bản thân mình tốt hơn một chút, và làm rõ được tầm nhìn của mình.
Vì động lực sẽ dễ được tạo ra hơn khi chúng ta đang ở trong tình trạng sức khoẻ tốt, cả về thể chất lẫn tinh thần. Khi có thời gian để cân bằng lại mọi thứ, tĩnh tâm hơn một chút, nhìn nhận được vấn đề rõ ràng hơn, mình tin, khi ấy, động lực cũng sẽ quay trở lại.
Như với mình, mình luôn xem những khoảnh khắc như vậy là thử thách cần mình vượt qua, là những cơ hội để mình rèn luyện ở bản thân sự nỗ lực.
Cứ mỗi khi vượt qua được một giai đoạn chán nản, mình lại cảm thấy bản thân kiên cường hơn một chút, lì lợm hơn một chút, biết cách để tự xốc lại tinh thần cho mình mỗi khi bị down mood.
Trong hơn 2 năm làm sáng tạo nội dung, mình cũng đã từng trải qua rất nhiều lúc cảm thấy mất động lực như vậy, nhiều đến độ mình không thể đếm nổi.
Thậm chí, có những cơn chán nản đến một cách không có lý do.
Nhưng hết lần này đến lần khác, mình đều vượt qua và tiếp tục, khiến cho mình dần cảm thấy tự tin hơn. Và nếu như lại có một ngày nào đó mình cảm thấy xuống tinh thần như vậy, mình biết đó sẽ chỉ là một khó khăn nhất thời, và vẫn sẽ lại có thể vượt qua được như trước.
Đơn giản vì mình đã làm được việc này cả trăm lần trước đây rồi.
Vậy nên, nếu như bạn đã và đang có sự cố gắng, nhưng một khoảnh khắc nào đó lại cảm thấy thiếu động lực, cũng đừng quá lo lắng.
Hãy cứ cho phép bản thân trải nghiệm cái cảm giác ấy. Không sao cả. Chỉ cần ngày hôm sau, mình quay trở lại mạnh mẽ hơn là được.
4. Động lực có tính lây lan
Điều cuối cùng mình rút ra, đó là động lực sẽ có tính lây lan rất mạnh.
Nghĩa là, khi bạn ở trong một môi trường tốt, xung quanh có những người cũng đang nỗ lực vì những mục tiêu của họ, bạn sẽ nhận được peer pressure theo một cách hoàn toàn tích cực.
Bạn cũng sẽ cảm thấy có thêm động lực cho chính mình.
Ngược lại cũng đúng.
Nếu như xung quanh bạn là những người luôn xem nhẹ sự cố gắng, hoặc luôn đánh giá, phán xét, khiến cho bạn cảm thấy lo âu và nhụt chí, khi ấy, động lực của bạn dù ít hay nhiều cũng sẽ bị họ dập tắt.
Mình nghĩ, nếu như bạn đã từng làm những hoạt động nhóm, bạn sẽ có thể nhận ra điều này. Khi bạn ở trong một tập thể tốt, mọi người đều có tinh thần cố gắng cao, bạn cũng sẽ cảm thấy được tiếp thêm rất nhiều năng lượng.
Mình cũng đang trực tiếp trải nghiệm việc này trong những cộng đồng về sáng tạo nội dung và kinh doanh mình tham gia.
Việc nhìn thấy sự thành công hay sự phát triển của người khác khiến mình cảm thấy rạo rực.
Vậy nên mình mới cho rằng:
Động lực cố gắng của bạn sẽ được nhân lên rất nhiều lần, nếu như bạn được ở trong một môi trường tích cực, được vây quanh bởi những mối quan hệ tích cực.
Bạn sẽ có xu hướng bị tác động bởi những nguồn năng lượng cảm xúc xung quanh mình, nhiều khi bằng một cách rất vô thức.
Đây là một hiệu ứng tâm lý xã hội được gọi là social contagion, hay emotional contagion.
Điều này đúng cả với những tương tác xã hội qua môi trường online. Đơn giản như việc chọn xem những nội dung tích cực cũng sẽ giúp bạn cảm thấy tích cực hơn.
Nếu như bạn tự thấy rằng, xung quanh mình chưa có được những sự ảnh hưởng tốt như vậy, mình nghĩ, chúng ta hãy chủ động trong việc tìm kiếm điều đó.
Hãy kỹ tính một chút trong việc chọn lọc xem ai được phép bước chân vào cuộc đời bạn. Một vòng tròn kết nối nhỏ nhưng chất lượng, cũng vẫn tốt hơn quen biết nhiều nhưng toàn những người đang muốn kéo bạn xuống.
Mình chia sẻ điều này không có ý nói rằng bạn nên phụ thuộc vào nguồn động lực từ bên ngoài.
Mình chỉ muốn chỉ ra một sự thật: những nỗ lực của bạn sẽ có sự ảnh hưởng qua lại với môi trường xung quanh.
Một môi trường tốt sẽ giúp ích cho bạn. Ngược lại, những nỗ lực của bạn cũng sẽ khiến cho cuộc sống của những người xung quanh bạn trở nên tốt hơn.
Việc bạn theo đuổi những mục tiêu của riêng mình, khiến họ cũng có thêm cảm hứng để theo đuổi những mục tiêu của riêng họ.
Việc bạn đạt được những thành quả của mình, khiến cho họ cảm thấy có niềm tin rằng họ cũng có thể làm được giống bạn.
Vậy nên, nếu như bạn có thể nhận thức được rằng những cố gắng của bạn đang không chỉ mang lại lợi ích cho riêng mình bạn, mà còn cho cả những người xung quanh nữa, mình tin, bạn cũng sẽ có thêm rất nhiều động lực để thúc đẩy bản thân hướng về phía trước
Nếu như bạn đang muốn phát triển tư duy để đạt được những thành công trong cuộc sống và sự nghiệp, mình có gợi ý cho bạn khoá học Growth Mindset: Phát triển tư duy cầu tiến. Sau khoá học, bạn sẽ mở khoá được những tiềm năng vô hạn bên trong mình, vượt qua mọi trở ngại và đạt được hiệu suất cao trong công việc, sự nghiệp.
Khoá học dự kiến được ra mắt vào 4/5 và đang được ưu đãi 20% khi đăng ký trước 4/5. Bạn có thể tham khảo và đăng ký ngay tại đây nhé.
Final thoughts
Cuối cùng, mình nghĩ rằng, động lực vẫn luôn là một thứ gì đó quan trọng.
Nó là thứ thúc đẩy chúng ta hướng về phía trước, biến những kế hoạch trở thành hành động, hoàn thành những trách nhiệm quan trọng cần làm, giúp chúng ta từng bước hiện thực hóa một cuộc sống mình thật sự muốn sống, thay vì chỉ ngồi một chỗ và mơ ước.
Cho dù chúng ta vẫn thường nói rằng, kỷ luật quan trọng hơn động lực, nhưng nếu như hai yếu tố này được hoàn thiện và bổ trợ cho nhau, mình nghĩ khi ấy, một người mới thật sự là bất khả chiến bại.
Để làm được việc này, chúng ta sẽ cần phải hiểu được cách động lực được tạo ra như thế nào. Nó vận hành bởi những nguyên lý gì, hay mình có thể duy trì được nó ra làm sao. Khi ấy, chúng ta mới có thể tận dụng được tối đa sức mạnh của động lực cho việc cải thiện cuộc sống của mình.
Đây là một việc mình vẫn đã, đang, sẽ tìm hiểu và đúc kết, từ chính những trải nghiệm trên hành trình làm việc độc lập của bản thân mình.
Mình hy vọng, những bài học trên đây cũng đã mang lại được cho bạn một chút giá trị nào đó.
Đừng quên là, cho dù bạn có xem hàng ngàn những video truyền động lực, nhưng xem xong không thực hiện, mọi thứ sẽ đâu lại vào đấy, chẳng có ý nghĩa gì cả.
Nếu như có bất kì điều gì trong cuộc sống bạn cần làm nhưng lại đang trì hoãn, hoặc nếu như bạn được cảm thấy có thêm một chút động lực từ nội dung của mình, mình hy vọng, ngay sau khi đọc hết bài viết này, bạn sẽ bắt tay vào thực hiện ngay lập tức.
Mình tin, bạn sẽ có một cảm giác đầy tự hào về bản thân khi có sự bắt đầu như vậy.
Cuối cùng, rất cảm ơn bạn đã ở đây, đã cùng mình khám phá hết nội dung lần này.
Hẹn gặp bạn trong những nội dung lần sau.
Hà Minh a.k.a Cosmic Writer
Comments