Đừng so sánh bản thân mình với người khác?
Tôi không đồng ý với góc nhìn đó lắm.
Leon Festinger, người sáng tạo ra học thuyết so sánh xã hội (social comparison theory), cho rằng việc đánh giá xem năng lực của mình đang ở đâu là một xu hướng tự nhiên của tâm lý con người. Và với tính chất của một loài sinh vật xã hội, chúng ta làm việc đó bằng cách tìm kiếm những góc nhìn khách quan hơn về mình. Trong đó bao gồm việc so sánh mình với người khác.
Do đó, việc cho rằng chúng ta nên "ngừng" so sánh, nếu như không phải là đi ngược với xu hướng tự nhiên của con người, có thể sẽ dẫn đến việc: (1) tự cô lập mình với xã hội, hoặc (2) tự đặt bản thân vào "điểm mù" và không hiểu rõ về năng lực của mình.
Vậy nếu như so sánh là cần thiết, nhưng nó lại khiến cho chúng ta cảm thấy mình thua kém, thì chúng ta cần phải làm thế nào? Lối thoát cho vấn đề này là gì?
Thực chất, việc so sánh tự bản thân nó không xấu. Có rất nhiều trường hợp, việc so sánh mình với người khác giúp cho chúng ta được tiếp thêm động lực để cố gắng nhiều hơn.
Do đó, vấn đề thực chất không phải nằm ở sự so sánh. Nó nằm ở cái xu hướng tự làm tổn thương chính mình khi chúng ta thấy bản thân không bằng người khác.
Vậy, vì sao chúng ta lại tự làm tổn thương chính mình? Có phải là vì nỗi sợ bị thua kém? Vì sự bất an về giá trị bản thân? Hay là vì những niềm tin rất sai lầm, rằng nếu như mình không bằng được người khác thì mình sẽ là một nỗi ô nhục? Những nỗi niềm gì khiến chúng ta tự thấy mình như vậy?
Những câu hỏi đó sẽ giúp bạn hướng vào bên trong, tự soi xét chính mình, và tìm hiểu xem ở mình có vấn đề gì đang cần giải quyết.
Sau đó sẽ là gì? Khi bạn vượt qua được những vướng mắc ở bên trong mình, cũng là khi bạn nhìn nhận những so sánh hơn thua bằng một góc nhìn khác, với một thái độ khác. Có thể xem như đó là việc bạn kể một câu chuyện khác về mình.
Việc thấy người khác tài giỏi hơn mình, không có nghĩa là bạn thua kém, mà có nghĩa rằng bạn còn nhiều điều để cải thiện. Việc thấy người khác thành công hơn mình, không có nghĩa là bạn thất bại, mà có nghĩa rằng bạn cũng sẽ có thể thành công như họ.
Bên cạnh đó, việc so sánh là để chúng ta có thêm hiểu biết về năng lực của mình ở hiện tại, và từ đó biết mình cần phải làm gì, chứ không phải là để đi đến một kết luận nào đó tuyệt đối về bản chất con người mình. Mỗi con người chúng ta đều có những giai đoạn phát triển và một hệ quy chiếu riêng, do đó mọi sự so sánh đều chỉ là tham khảo và mang tính tương đối.
Với cách nhìn nhận như vậy, sự so sánh không còn khiến bạn bị tổn thương, mà thậm chí còn sẽ tiếp thêm cho bạn nhiều giá trị tích cực. Và để có được những giá trị đó, chúng ta chỉ có cách là thay đổi chính mình, và thay đổi cái mindset mà qua đó mình nhìn nhận thế giới.
Hướng giải quyết này, tôi nghĩ, có tính gợi mở và đi được đến gốc rễ của vấn đề hơn rất nhiều so với lời khuyên "đừng so sánh".
Comentários