Cách đây khoảng 1 năm, khi Vietcetera mới phát hành podcast Have A Sip, mình có bấm xem tập có khách mời là anh Bình Bồng Bột, vì được biết anh là biên kịch đã chuyển thể kịch bản "Tiệc Trăng Máu" ra tiếng Việt (mà mình khá thích).
Trong buổi phỏng vấn, anh Bình có nhắc đến một khái niệm mà mặc dù bản thân mình chưa biết đến trước đó, mình lập tức hiểu được ngay nhờ trực giác và kinh nghiệm phải viết tương đối nhiều. Đó là khái niệm: "tai nghe của người viết".
Mình đã từng cố gắng giải thích khái niệm này trước đây, nhưng không thành công lắm, nên hôm nay cố gắng thực hiện điều này một lần nữa. Rốt cuộc, khi viết người ta dùng tay, hoặc nói xa hơn thì là dùng trí óc, đôi tai ở đây có vai trò gì?
2 ngôn ngữ mà mình sử dụng khá thành thạo là tiếng Việt và tiếng Anh. Trong nhiều năm đi du học ở Úc, mình phải sử dụng tiếng Anh rất nhiều, đọc nghe nói viết đủ cả, đến độ nhiều giấc mơ mình còn mơ thấy mình nói bằng tiếng Anh. Với cường độ sử dụng như vậy, việc so sánh giữa tiếng Anh và tiếng Việt là tương đối thường xuyên.
Trong tiếng Anh có cái hay là sự nhấn nhá trọng âm trong một từ, nối âm tiết cuối của một chữ với âm tiết đầu tiên của chữ tiếp theo, có lên bổng xuống trầm và tông điệu trong một câu... Những yếu tố sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến ý nghĩa của thông tin được truyền tải (ví dụ như nếu bạn lên cao giọng ở cuối câu thì nghe sẽ giống một câu hỏi).
Trong tiếng Việt tuy không có những yếu tố như vậy, nhưng mặt khác lại được chú tâm nhiều hơn vào việc những nguyên âm được phát âm như thế nào để tạo thành âm điệu, tạo thành trong từ điển tiếng Việt một bộ sưu tập nhiều từ láy, từ tượng thanh, tượng hình... khiến cho bất kì ai mới học tiếng Việt đều phải toát mồ hôi.
Mình không phải là chuyên gia ngôn ngữ học, nên chỉ đang miêu tả lại những điều mình quan sát thấy từ kinh nghiệm cá nhân. Thế nhưng, với những minh họa trên, thì với ngôn ngữ, dù là ngôn ngữ nào đi nữa, trong những cách biểu đạt của nó đều ẩn chứa những yếu tố như âm giai, tiết tấu, nhịp điệu... Tuy không phải lúc nào cũng cần phải bám theo những quy luật nghiêm ngặt như nhạc lý, nhưng những yếu tố này đều góp phần làm nên một đoạn văn hay cũng như cách nó làm nên một bản nhạc hay.
Ví dụ như với thơ: trong thơ lục bát hay thơ Đường, đều có những quy luật nhất định về âm tiết mà người viết cần phải tuân theo để bài thơ được chấp nhận. Mình nghĩ những quy luật này đều đã được nhiều thế hệ thi sĩ phát triển và chỉnh sửa trong suốt một thời gian dài, nên mới hình thức hóa thành luật thơ như vậy. Nếu như bám theo đúng những âm điệu như vậy thì vần thơ nghe sẽ thẩm mỹ, sẽ chạm được đến người nghe. Sau, với phong trào thơ mới, những quy luật và cấu trúc thơ truyền thống bị phá bỏ, nhưng thực chất vẫn phải bám theo một quy luật chung, đó là phải có vần điệu, nếu không đó sẽ là văn xuôi. Ngày nay, rap cũng là một biến thể của cùng một phương thức dùng từ ngữ. Rap mà không có vần, hoặc chỉ dùng vần đơn, chắc sẽ bị đông đảo người nghe cười chê.
Điểm chung của những hình thức vận dụng ngôn ngữ trên là đều khơi gợi được trong tâm hồn người nghe sự cảm thụ về tính thẩm mỹ. Đâu là câu thơ đẹp, đâu là câu rap hay, tất nhiên bên cạnh ý nghĩa nội dung nó được truyền tải, còn phải phụ thuộc vào hình thức mà nó được truyền tải nữa.
Một câu văn, câu thơ được viết có vần điệu, ắt sẽ lọt lỗ tai người nghe hơn. Thử tham khảo những câu tagline, slogan của các nhãn hàng lớn sẽ rõ. Hoặc viết status thả thính mà có đảo vần, chơi chữ, chắc chắn cắn câu sẽ nhiều.
Và, để viết ra được những câu văn, câu thơ có vần điệu, có tiết tấu, nghe xuôi tai và đi vào lòng người, thì người viết cũng cần phải "cảm thụ" được những gì mình viết ra như cách họ "cảm thụ" một bản nhạc. Một nhà thơ mà không cảm được cái đẹp của từ ngữ thì những gì anh ta viết ra sẽ ngang và chối, cũng như một nhạc sĩ không cảm được cái hay của âm điệu. Người viết cũng cần đôi tai là vì thế.
Nhưng tất nhiên, tất cả những hoa mỹ về ngôn từ, cũng chỉ là lớp trang trí bề ngoài. Quan trọng hơn tất cả là người viết phải có ý tưởng, có nội dung. Không có gì đáng để truyền tải nhưng lại cố gắng truyền tải nó thật kiểu cách, thật không khác mấy bạn rapper trẻ cố gắng ép vần 3, vần 4, nhưng câu cú thì lủng củng, sáo rỗng, và chẳng ra ý nghĩa gì. Style tuy quan trọng, nhưng substance vẫn là yếu tố tiên quyết.
Cosmic Writer
Comments