top of page

Vượt qua nỗi sợ bị phán xét

Bạn có bao giờ cảm thấy sợ bị người khác nghĩ xấu, chê bai, hay đánh giá thấp mình không? Với nhiều người, cảm giác này là rất quen thuộc. Vì khi phải đặt bản thân mình ra trước ánh nhìn của người khác, dù là tự nguyện hay do hoàn cảnh đẩy đưa, chúng ta đều khó có thể tránh được cái cảm giác đầy bất an của nỗi lo bị phán xét. Ví dụ như khi phải thuyết trình trước đám đông, hoặc trước khi phải bước vào buổi phỏng vấn, chúng ta đôi khi cảm thấy một nỗi lo mơ hồ chẳng mấy dễ chịu. Các nhà tâm lý gọi cảm giác này là "nỗi sợ bị đánh giá tiêu cực" (the fear of negative evaluation). ... Nguyên nhân khiến chúng ta phải "chịu đựng" cảm nhận này có thể được luận giải qua lăng kính của thuyết tiến hóa. Việc nhận được sự yêu quý từ mọi người xung quanh, cũng đồng nghĩa với điều kiện sinh tồn thuận lợi hơn. Từ những tộc người nguyên thủy cho tới khi xã hội được hình thành, nỗi sợ bị đánh giá tiêu cực đã thúc đẩy con người sống chan hòa, nỗ lực tạo ra nhiều giá trị, và góp phần củng cố cho tập thể thêm vững mạnh. Vậy nhưng, khi nỗi sợ này trở nên lấn át, nó khiến chúng ta thu mình lại, né tránh những thử thách nhiều áp lực. Chúng ta sợ ai đó thấy mình sai lầm, thấy mình thất bại, như khi chúng ta chẳng dám giơ tay phát biểu trên lớp cho dù là mình có câu trả lời. Vì mỗi khoảnh khắc bạn nhận được sự chú ý, là một khoảnh khắc bạn phải chịu rủi ro khiến cho hình ảnh của mình bị xấu đi trong tâm trí người khác. Năm 1969, hai nhà tâm lý David Watson và Ronald Friend đã phát triển một thang đo mức độ sợ bị đánh giá (FNE scale). Các nghiên cứu sau đó có chỉ ra: những người chịu nhiều ảnh hưởng bởi nỗi sợ này cũng thường sẽ có những kết quả không tốt (trong môi trường học tập và thể thao). Từ đó có thể tạo thành một vòng lặp nguy hiểm, khi nỗi lo âu và thành tích cùng... kéo nhau đi xuống. ... Vậy nhưng ở chiều ngược lại, bác sĩ Hannah England cũng gợi ý một vài phương pháp có thể giúp bạn giảm bớt nỗi lo sợ kém dễ chịu này: 01. Đầu tiên, hãy tự nhìn nhận một cách công bằng những phẩm chất tích cực mà bạn có. Nghiên cứu của Emily B. Falk cho thấy việc thực hành thói quen "tự khẳng định" (self-affirmation) có khả năng kích hoạt một số vùng não xử lý cách bạn tự nhìn nhận chính mình (self-processing brain's region). Nhờ đó, bạn sẽ trở nên tự tin và cảm thấy mình có giá trị, giúp bạn mẫn cảm hơn với những đánh giá từ bên ngoài. 02. Trong những tình huống không thể tránh (như việc phải thực hiện một bài thuyết trình cuối kỳ), việc bạn chủ động "xông pha" càng sớm, sẽ càng giúp rút ngắn quãng thời gian bạn phải chịu đựng nỗi lo âu. Đừng hướng sự chú ý quá nhiều về bản thân, mà hãy cứ tập trung vào việc mình cần làm, và rồi bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng như được "giải thoát" ngay khi khoảnh khắc đó qua đi. 03. Một lời khuyên giá trị mà bác sĩ England cũng đưa ra đó là: hãy sẵn sàng đầu tư vào bản thân. Nếu như bạn cảm thấy chưa tự tin lắm về mình, hãy bỏ ra thời gian và tâm sức để bồi bổ thêm kiến thức, trau dồi những kỹ năng mới để "nâng cấp" bản thân mình hơn (như việc đăng ký một khóa học chẳng hạn). Hoặc, nếu như cảm giác lo âu bạn đang có là quá nặng nề, việc tìm gặp chuyên gia tâm lý có thể được xem như là một khoản đầu tư xứng đáng. ... Không ai muốn mình bị xem như "đồ thừa", ít giá trị, dễ dàng bị bỏ mặc trong những hoàn cảnh bất lợi. Và có lẽ, chính nỗi lo bị xem thường và bị phán xét như vậy, khiến chúng ta đôi khi cảm thấy tê liệt, hoặc tự hạ mình xuống thấp hơn giá trị con người thật. Nhưng có lẽ, chúng ta chỉ đang lo sợ những hoàn cảnh xấu nhất, những tình huống rủi ro mà thực chất chẳng mấy khi xảy ra. Không những vậy, cảm nhận của ai đó về mình, dù là tốt hay xấu, cũng đều nằm ngoài tầm kiểm soát. Và do đó, chỉ cần ta lưu tâm, không cần phải bận tâm. Vì khi bạn đã hiểu rõ mình, suy nghĩ của người khác chẳng còn quan trọng. Cũng như một cái cây vậy: khi gốc rễ đủ bền sâu, gió bão chẳng thể nào lay đổ. Cosmic Writer



Komentarze


bottom of page