Còn trẻ, có 3 thứ mà nếu như được đầu tư phát triển từ sớm, sẽ mang lại cho bạn rất nhiều lợi thế sau này:
Đó là (1) tư duy, (2) kiến thức, và (3) kỹ năng.
(1) Tư duy là khả năng bạn phân tích, lập luận, đưa ra quyết định và giải quyết vấn đề. Cách bạn tư duy có chính xác, có chặt chẽ hay không, cũng sẽ quyết định khả năng bạn đưa ra được những sự lựa chọn đúng, không vướng mắc thiên kiến, hoặc không phải trả giá cho những sai lầm.
(2) Kiến thức là những hiểu biết mà bạn có về thế giới mình đang sống nói chung, và về một lĩnh vực chuyên môn nào đó nói riêng. Kiến thức không phải chỉ là thông tin đơn thuần, mà là những thông tin có giá trị, được kiểm chứng, giúp bạn có một thế giới quan rộng mở, thực tế, có nhiều chất liệu để tư duy.
(3) Kỹ năng là năng lực thực hành, hay khả năng bạn làm tốt một công việc nào đó, và thật sự tạo ra được giá trị. Kỹ năng là thứ chỉ có thể được rèn luyện từ việc trực tiếp trải nghiệm, làm việc, và đúc kết từ kinh nghiệm cá nhân. … Cả 3 yếu tố trên đều là cần thiết, giúp bạn tạo dựng được nền tảng để phát triển xa hơn trong công việc và trong cuộc sống:
(1) Nếu như chỉ có tư duy, bạn sẽ giống như các triết gia “ghế bành”, chỉ ngồi một góc suy tư về mọi lý thuyết trên đời, nhưng lại hoàn toàn xa rời thực tế.
(2) Nếu như chỉ có kiến thức, bạn sẽ giống một cuốn bách khoa toàn thư, hiểu biết rất nhiều thứ, nhưng không làm được gì có ích từ những hiểu biết ấy.
(3) Nếu như chỉ có kỹ năng, bạn sẽ giống như một người thợ, sẽ rất được việc, nhưng không có khả năng để lên chiến lược hoặc đưa ra những ý tưởng mới. … Việc vận dụng và phát triển cả 3 yếu tố này đều là điều kiện cần để làm nên một con người hiệu quả, có giá trị. Nếu như được reset lại tuổi trẻ của mình, tôi sẽ đầu tư phát triển những yếu tố này như sau:
(1) Tạo dựng thói quen viết lách để rèn luyện khả năng tư duy. Thông qua viết, bạn có thể tự nhìn nhận lại cách mình đưa ra lập luận, học cách tự phân tích, phản biện, để có thể tư duy rành mạch hơn.
(2) Tạo dựng thói quen đọc sách để thu nạp thêm nhiều kiến thức. Bên cạnh đó, là tận dụng tối đa tiềm năng giáo dục của internet. Tôi sẽ tìm kiếm tri thức theo chiều rộng, rồi sau đó lựa chọn một lĩnh vực nào đó hấp dẫn mối quan tâm của mình để chuyên môn hoá sâu hơn.
(3) Học tập thêm các kỹ năng mới để tự biến mình trở nên “hữu dụng” trong lĩnh vực chuyên môn đã chọn. Sự đa dạng kỹ năng sẽ khiến tôi trở nên bao quát và linh hoạt, còn những kỹ năng chuyên sâu sẽ khiến tôi trở nên khó thay thế.
Quan trọng hơn cả, tôi sẽ tự tạo dựng và theo đuổi một dự án cá nhân nào đó, để có được một môi trường để thử nghiệm, áp dụng và phát triển cả 3 yếu tố này.
Chút kinh nghiệm này được tôi đúc kết lại trong một nội dung Youtube được thực hiện gần đây. Mọi người tìm xem ở phần comment nhé.
Opmerkingen