Tôi thường hay suy tư về cái chết.
Nhưng không phải theo một cách nghĩ bi quan và u ám.
Như bóng tối lý giải ánh sáng, nỗi buồn lý giải niềm vui, cái chết cũng giúp tôi hiểu hơn về cuộc đời mình.
Ý niệm về cái chết gợi lên trong tôi một sự choáng ngợp và say mê trước sự kỳ diệu của sự sống, của nguồn năng lượng đang chảy trong tôi để tôi có thể sẻ chia suy nghĩ của mình.
Sự sống bắt nguồn từ đâu và vì sao nó tồn tại, có lẽ là một trong những câu hỏi đã làm bao thế hệ triết gia và nhà khoa học nhức đầu luận giải. Những giả thuyết được đặt ra, có thể làm khuấy động trong tâm trí những suy tưởng kỳ thú xa vời.
Nhưng suy cho cùng, nguồn sống gần gũi và chân thực nhất để trực tiếp soi xét, chính là thứ đang đan dệt nên trải nghiệm sống của bạn ngay lúc này. Sự sống đó ở trong bạn và chính là bạn. Nó tự soi mình qua chiếc gương của nhận thức, và rồi tự thấy trong sự hiện hữu ấy là những bí ẩn mà bản thân nó chẳng thể lý giải.
Một ngày, tâm hồn bạn dần tỉnh giấc từ hư không. Thể xác bạn được cấu thành từ sự tiếp diễn suốt 4 tỷ năm của mầm sống nguyên thủy. Mọi sự kiện đã diễn ra theo đúng như cách nó đã diễn ra để dẫn đến sự hiện diện của bạn ngay giây phút này. Đó có thể chỉ là một sự ngẫu nhiên tình cờ, một màn ảo thuật của vũ trụ, hay một chuỗi sắp đặt có chủ đích. Tôi không có câu trả lời.
Nhưng tôi biết, bằng chút ánh sáng của sự tự nhận thức, sự sống mà bạn và tôi đang trải nghiệm, là một hiện tượng đặc biệt, huyền nhiệm, thậm chí có gì đó siêu nhiên.
Vì sự sống đó mà chúng ta được hiện hữu để trải nghiệm niềm vui và nỗi buồn, tình yêu và thù ghét, hạnh phúc và khổ đau. Những thăng trầm muôn hình vạn trạng, đa dạng và độc nhất với từng cá nhân, mà tôi đoán rằng một thiên thể vô tri lửng lơ ngoài không gian chẳng thể có.
Tôi luôn tâm niệm rằng: điều làm nên cái đẹp của sự sống, chính là tính hữu hạn của nó. Khi xưa, từ việc phải đối diện với sự thật về quy luật sinh-lão-bệnh-tử của cuộc đời, mà thái tử Siddhartha Gautama mới thức tỉnh và lên đường tìm kiếm giác ngộ.
Vì nhận thức được sự thật về cái kết tối hậu ấy, cũng đồng nghĩa với việc nhận thức được rằng nguồn sống đang hiện diện trong tôi là mong manh, ngắn ngủi, và quý giá đến chừng nào. Sự khan hiếm, chính là điều làm nên giá trị.
Như ai đó từng nói: “Every man has two lives, and the second starts when he realizes he has just one”.
Vậy nên, tôi cho rằng: tự bản thân việc "được sống" đã là một phép màu cần mình nhận thức, trân trọng, và tận hưởng thật trọn vẹn. Có thể sống bằng thái độ ấy, thì từng khoảnh khắc tim mình còn đập, tâm mình còn sáng, mình vẫn sẽ còn được thấy sự sống này lấp lánh ý nghĩa.
Chỉ khi ý niệm về cái chết làm thức tỉnh trong mình về giá trị thật của sự sống, thì khi ấy, mình mới thật sự được "sống".
Cosmic Writer
Comments