top of page

Tập trung không phải là thêm vào, mà là loại bớt

Hôm vừa rồi, chiếc điện thoại của mình bị sập nguồn. Không biết mọi người có thường hay để điện thoại bị hết pin như vậy không, chứ mình thì thường xuyên vì... rất lười cắm sạc.


Xong hôm đó, nhờ chiếc điện thoại sập nguồn mà mình có được sự tập trung làm việc rất sâu.


Và thậm chí là đạt được hiệu suất cao nhất so với khoảng mấy tuần trước đó.


Giải quyết được nhiều việc, mình cảm thấy tinh thần rất thỏa mãn, như thể đã chiến thắng được bản thân mình.


Đứng dậy khỏi bàn làm việc, mình nhìn xung quanh mà không nhớ chiếc điện thoại hết pin của mình ở đâu.


Khi nó không còn tác dụng, việc phải giữ nó sát bên người cũng trở nên không cần thiết.


Ngày hôm đó mình cũng thấy tự do vô cùng.


Mình từng chia sẻ điều này ở rất nhiều nơi, ở cả khóa học Deeper Focus và cả chương trình phỏng vấn trên VTV hôm trước, đó là: rào cản lớn nhất của sự tập trung trong bối cảnh thế giới đa kết nối như hiện nay, chính là chiếc smartphone và những ứng dụng social media trên đó.


Sự quá tải về thông tin lẫn những áp lực phải cập nhật chúng khiến tâm trí chúng ta không giờ phút nào được ngơi nghỉ, thậm chí cứ ít lâu lại phải mở điện thoại ra check vì nỗi lo rằng mình đang bỏ lỡ thứ gì quan trọng.


Việc này tạo thành một vòng lặp về hành vi, và nó khiến cho việc duy trì sự tập trung không đứt quãng vào một tác vụ nào đó trở nên khó khăn.


Sự chuyên tâm, do đó trở thành một dạng tài sản về năng lực có giá trị vô cùng lớn.


Tuy vậy, nhờ việc tạm thời loại bỏ được chiếc điện thoại thông minh (và qua đó đạt được hiệu suất cao hơn), mình bỗng nhớ lại một thông điệp về sự tập trung đã từng viết từ hơn 3 năm trước:


Sự tập trung không cần chúng ta phải gồng lên nỗ lực nhiều hơn, mà chỉ cần chúng ta từ bỏ đi những thứ không liên quan, và không để chúng được phép xen vào.


Để tập trung tốt hơn, sâu hơn, bền hơn... thứ bạn cần không phải là thêm vào, mà là loại bớt.


Chỉ cần chúng ta xác định được đâu là những thứ gây sao nhãng, những thứ đang thao túng sự chú ý của chúng ta... và sau đó là buông bỏ, loại trừ nó một cách dứt khoát khỏi môi trường làm việc của mình.


Khi chúng ta tối giản hóa thế giới xung quanh mình, tự kiến tạo nên một không gian nơi chúng ta được tự do khỏi những ồn ào hỗn tạp...


Thì khi đó, sự tập trung sẽ trở nên tự nhiên và vô cùng đơn giản.

Comentarios


bottom of page