Càng lớn, tư duy của chúng ta ngày càng được định hình rõ hơn.
Chúng ta dần hình thành cho riêng mình các hệ thống niềm tin, quan điểm, suy nghĩ… hay nói cách khác: một cách nhìn nhận thế giới riêng.
Một mặt, sự trưởng thành về tư duy như vậy là hết sức cần thiết. Nó giúp chúng ta có những triết lý và lập trường của riêng mình. Nhưng mặt khác, nó cũng khiến cho cách chung ta tư duy ngày càng bị hẹp lại, bó chặt trong những triết lý và lập trường ấy. Những niềm tin, quan điểm, và suy nghĩ của chúng ta dần trở nên cứng nhắc và khó để thay đổi.
Về bản chất, việc này không xấu. Nhưng khi chúng ta vô ý có những niềm tin vô căn cứ, những quan điểm sai lệch, hay những suy nghĩ không còn phù hợp với sự tiến bộ của thời đại… thì sự khó thay đổi này khiến chúng ta dần trở nên “bảo thủ cứng đầu”, và dần mất đi tính thích nghi.
Thay vì cân nhắc những góc nhìn đa chiều, chúng ta chỉ tập trung tìm kiếm những bằng chứng giúp củng cố cho góc nhìn có sẵn của mình, để càng khẳng định chắc chắn hơn rằng “mình đúng”. Lúc ấy, chúng ta rơi vào confirmation bias (thiên kiến xác nhận).
Do đó, việc “dám” tự soi xét lại cách mình tư duy đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và sự dũng cảm.
Không nhiều người có thể thật sự làm được việc này. Chúng ta thà sống chết bảo vệ lập trường của mình, còn hơn là tự phản biện lại chính mình một cách trung thực và khách quan. Erving Goffman cho rằng việc này giúp bảo vệ tính nhất quán (consistency) trong cách chúng ta trình diện con người mình với thế giới, và cả với chính mình.
Bản thân tôi, có lẽ cũng không dám tự tin khẳng định rằng mình sẽ có thể dễ dàng thay đổi được cách mình tư duy.
Nhưng tôi nghĩ, sự thay đổi này không nhất thiết phải là “gió chiều nào theo chiều nấy”, hoặc thay đổi liên tục mà không có lập trường riêng. Mà đôi khi, đó có thể là việc tự cập nhật và khám chữa lại chính mình, không khác nhiều so với cách một tác giả sách quay lại biên tập những gì mình đã viết sau mỗi lần tái bản.
Thực chất, việc này khiến cho sự trưởng thành khó khăn hơn một chút. Khi chúng ta vừa phải hình thành nên lập trường của mình, vừa phải sẵn sàng chỉnh sửa lập trường đó khi cần thiết.
Nhưng tôi tin rằng, bản thân việc tự nhận thức được như vậy, cũng phần nào có thể giúp chúng ta hạn chế được việc “cứng nhắc hoá” (rigidify) thế giới quan của mình trong những lối tư duy một chiều.
Cosmic Writer
Comments