Khoảng tầm hơn 1 tháng trước, có bạn vào đặt câu hỏi cho tôi về sự tự tin.
Ban đầu, tôi nhận thấy bạn ấy đã đặt câu hỏi cho nhầm người. Tôi chẳng mấy khi tự nhận thấy rằng mình tự tin. Tôi luôn cảm thấy bất an, lo lắng về việc người khác nghĩ gì về mình, hay hổ thẹn vì những điều mà mình chưa đạt được.
Một người như tôi thì có gì để nói về tự tin?
Tôi biết có những người tự tin hơn tôi, luôn sẵn sàng thể hiện bản thân mình, không ngại mắc sai lầm, và chẳng màng những lời đàm tiếu của kẻ khác.
Thế nhưng, những nghiên cứu trong lĩnh vực di truyền học hành vi (behavioural genetics) đã chỉ ra: mức độ tự tin của một người phần lớn được xác định từ bẩm sinh. Nó có mối liên hệ tới hormone testosterone và bị ảnh hưởng trực tiếp bởi mức độ cân bằng của chất dẫn truyền thần kinh dopamine và serotonin.
Do đó, những người sinh ra đã tự tin, họ làm sao hiểu được khó khăn của những người luôn tự cảm thấy mình thua kém? Làm sao hiểu được cảm giác của những người yếu thế không được may mắn thừa hưởng bộ gene của một nhà vô địch?
William James - ông tổ của ngành tâm lý học, cho rằng mức độ tự tin của bạn phụ thuộc vào cách mà bạn định giá bản thân. Ông có đưa ra một đẳng thức rất dễ nhớ và dễ hiểu:
Lòng tự trọng (self-worth) = thành công (achievement) / sự kỳ vọng (expectation).
James lập luận: bạn đặt niềm kiêu hãnh và giá trị của mình vào đâu, thì đó sẽ trở thành thang đo cho sự tự tin của bạn.
Không phải sự thất bại nào cũng đều dẫn đến thiếu tự tin. Chúng ta sẽ chỉ cảm thấy mất tự tin, nếu như nhận thấy rằng mình thiếu hụt so với kỳ vọng, hay thua kém trong một cuộc chơi mà mình lựa chọn.
Nói cách khác, sự thiếu tự tin đến từ việc chúng ta tự thấy mình yếu thế hơn khi đối chiếu bản thân với một tiêu chuẩn giả định nào đó.
Giữa guồng quay của xã hội hiện đại, những cuộc cạnh tranh cũng ngày một khốc liệt hơn. Quả thật rất khó để bạn có thể đạt được một thành tựu gì đó đáng chú ý cho riêng mình.
Trong khi đó, những tiêu chuẩn được kỳ vọng thì ngày càng tăng cao, khi mạng xã hội nhắc nhở bạn mỗi ngày rằng ở ngoài kia còn nhiều người tài giỏi thế nào.
Nếu như để cho bản thân mình bị rơi vào cái bẫy của sự so sánh, cái bẫy vốn đang được giăng ở khắp mọi nơi, chúng ta sẽ không bao giờ thấy mình “đủ”. Không đủ tài năng, không đủ thành công, không đủ hạnh phúc. Đó là một cuộc chơi mà chắc chắn bạn sẽ thua.
Do đó, có hai giải pháp để gia tăng sự tự tin: gặt hái thêm nhiều thành tựu, hoặc giảm sự kỳ vọng cho bản thân.
Nền kinh tế tư bản ngày nay hầu như chỉ tập trung vào giải pháp đầu tiên: bạn phải mưu cầu nhiều hơn, đạt được nhiều hơn, thành công nhiều hơn, như thể đó là con đường duy nhất để bạn có quyền tự hào về bản thân.
Ở chiều ngược lại, việc giảm bớt sự kỳ vọng không phải là vứt bỏ hết ý chí vươn lên. Nhiều khi, những sự kỳ vọng phi thực tế lại chính là xiềng xích khiến cho từng bước đi trở nên nặng nhọc. Vì phần lớn thời gian, bạn để cho xã hội quyết định mình phải kỳ vọng điều gì, mà không tự đặt ra cho bản thân những tiêu chuẩn thiết thực.
Một sự kỳ vọng phù hợp làm tiêu chuẩn sẽ trở thành động lực thúc đẩy, nhưng nó cần phải bắt nguồn từ việc hiểu rõ chính bản thân mình: điểm mạnh, điểm yếu, và con đường mà bạn muốn đi. Nói cách khác, hãy tự xác định giá trị của mình bằng một thước đo phù hợp.
Đừng chỉ đi được vài bước đã vội nhìn về cuối đường, leo vài bậc thang đã vội nhìn lên đỉnh tòa tháp.
Không phán xét bản thân bằng những sự kỳ vọng phi lý, là cách tốt nhất để nuôi dưỡng sự tự tin.
Cosmic Writer
Comments