Đầu tiên, cần phải nhận thức được rằng "thấu hiểu bản thân" không đến từ một khoảnh khắc nhất thời như khi chúng ta lĩnh hội được một kiến thức gì đó mới.
Mặt khác, để thật sự "thấu hiểu bản thân", mỗi người cần phải học cách tự bóc tách những lớp vỏ ngoài, để có được cái nhìn ngày một chân thực hơn về bản chất con người mình. Đây là cả một quá trình dài, đòi hỏi ở mỗi người nhiều thời gian và nỗ lực.
Thế nhưng bạn không thật sự đơn độc trên hành trình ấy. Sau những năm tuổi trẻ bị giằng xé trước những bí ẩn về con người mình, mình có rút ra mấy kinh nghiệm dưới đây để giúp cho hành trình của bạn dễ dàng hơn:
Thấu hiểu bản thân cần những gì?
1. Phát triển sự tự nhận thức
Đôi khi những chiều sâu bên trong con người mình không dễ để khám phá, vì từ nhỏ chúng ta đã quen với việc hướng sự chú ý của mình ra thế giới bên ngoài, vô thức phản ứng lại với những đòi hỏi nhất thời của cuộc sống xung quanh, mà không biết cách nhìn nhận và quan sát thế giới bên trong.
Để soi tỏ những góc khuất bên trong, bạn cần đến ánh sáng của ý thức. Về cơ bản, đó chỉ đơn giản là tự nhận biết những gì mình đang cảm nhận và đang suy nghĩ ở ngay thời điểm hiện tại. Kỹ năng này có thể được cải thiện thông qua những thói quen như thiền định, viết lách...
2. Hướng đến một cái nhìn khách quan
Khi thiếu đi một cái nhìn khách quan và toàn vẹn về bản thân, mình sẽ rất dễ tự nhìn nhận mình một cách chủ quan và phiến diện: hoặc quá tôn vinh những điểm mạnh, hoặc quá vùi dập những điểm yếu. Sự thật là: tâm hồn của con người luôn là tổng hòa của cả mặt sáng và mặt tối.
Để nhìn nhận bản thân mình khách quan hơn, hãy để ý đến cách những người xung quanh nhìn nhận bạn (đặc biệt là những người bạn tin tưởng và đã hiểu bạn đủ sâu). Bên cạnh đó, những bài trắc nghiệm tâm lý cũng sẽ giúp bạn hiểu rõ nhiều điều.
3. Chấp nhận con người mình
Đôi khi trên hành trình kết nối với thế giới bên trong, bạn sẽ vấp phải sự kháng cự khi đối diện với những phân mảnh kém hoàn hảo của bản thân mình: những nỗi tự ti, mặc cảm, hay vết thương lòng bạn mang theo từ tuổi thơ...
Hãy sẵn sàng chấp nhận sự kém hoàn hảo ấy: tha thứ cho những sai lầm của tuổi trẻ, bao dung với những điểm yếu của bản thân, cảm thông với những nỗi lòng bị dồn nén, và chấp nhận rằng mình là một công trình còn đang dang dở (work-in-progress). Chỉ khi chấp nhận, bạn mới có thể thấu hiểu.
4. Trang bị cho mình thêm nhiều trải nghiệm
Một cái hiểu chân thực nhất về con người mình, là cái hiểu được đúc rút từ việc trực tiếp trải nghiệm và cọ sát với những thử thách trên tiến trình của cuộc sống. Những thành công và thất bại mà bạn từng trải qua, chính là những tư liệu quý giá trong câu chuyện cuộc đời bạn, là những mảnh ghép giúp bạn thấy rõ được phẩm chất của mình, và định vị được mình trong mối tương quan với thế giới.
Bạn không thể hiểu thêm điều gì về bản thân khi tự giam mình trong 4 bức tường của căn phòng ngủ, hay trong sự dịu êm thoải mái của vùng an toàn. Hãy sẵn sàng lăn xả và va vấp trong những cuộc phiêu lưu, khám phá những chân trời mới (khi bạn còn có sức để đi), miễn sao bạn biết nơi để quay về.
Cosmic Writer
Comments