Trước hết, mindset có thể xem như những vòng lặp về tư duy, những niềm tin cốt lõi đã và đang định hình thế giới quan của bạn, cách bạn nhìn nhận vấn đề và đưa ra sự lựa chọn trong cuộc sống. Mindset của bạn thế nào, cuộc sống của bạn như vậy.
Nếu như có những mindset tiêu cực, bạn sẽ nhìn nhận mọi thứ một cách tiêu cực. Nó sẽ cuốn bạn vào một vòng xoáy đi xuống, và ngược lại. Những gì bạn có bên ngoài sẽ phản ánh những gì bạn có bên trong.
Vậy nên, mình cho rằng, chúng ta sẽ cần phải tự soi xét lại bản thân mình. Từ đó, bạn sẽ có thể nhận diện và tháo gỡ những vòng lặp tư duy, hay những rào cản của niềm hạnh phúc.
Vậy, những mindset đó là gì? Điều gì khiến chúng ta tự cảm thấy mình bất hạnh? Trong nội dung lần này, mình hy vọng sẽ có thể giúp bạn làm sáng tỏ câu chuyện này hơn một chút.
1. Chủ nghĩa hoàn hảo - perfectionism
Trái với những hiểu lầm thường gặp, chủ nghĩa hoàn hảo thật sự chẳng hề hoàn hảo như tên gọi của nó.
Chủ nghĩa hoàn hảo là một mindset gắn liền với những sự kỳ vọng, tiêu chuẩn quá lý tưởng, xa vời, và phi thực tế, trong công việc, cuộc sống, hay trong bất kì điều gì mình làm.
Vậy thì, tại sao perfectionism lại khiến chúng ta không hạnh phúc?
Việc theo đuổi những tiêu chuẩn hoàn hảo một cách cực đoan, sẽ khiến chúng ta không thỏa mãn với bất kì điều gì.
Thậm chí, bạn nhìn đâu cũng sẽ thấy những khuyết điểm, thiếu sót, sự không hoàn hảo, ở người khác cũng như ở chính bản thân mình.
Đây còn được gọi là sự cầu toàn độc hại (maladaptive perfectionism). Nó có thể khiến một người trở nên trì hoãn, rơi vào trạng thái lo âu, hay thậm chí là trầm cảm.
Mình thấy, bản chất thật sự đằng sau xu hướng cầu toàn độc hại, là một nỗi bất an về giá trị bản thân. Vì họ sợ phải nhìn thấy những khuyết điểm của mình, sợ mắc sai lầm và tự thấy mình yếu kém. Vậy nên, họ thà không làm gì còn hơn là làm sai.
Hơn nữa, họ sẽ luôn tự phán xét bản thân, không bao giờ cảm thấy mình đủ tốt, và tự tạo ra cho bản thân quá nhiều áp lực. Họ buộc bản thân mình phải đạt được một tiêu chuẩn nào đó quá sức, đến độ bị burnout và kiệt quệ.
Vậy làm sao để vượt qua được mindset này?
Để khắc phục được xu hướng cầu toàn độc hại, chúng ta phải học cách đặt ra những mục tiêu phù hợp.
Điều này bắt nguồn từ việc hiểu rõ năng lực của bản thân, định vị được mình đang ở đâu. Bên cạnh đó, bạn cần học cách chấp nhận những thiếu sót của mình như một phần tất yếu trong cuộc sống.
Mình rất thường hay nói: đừng hoàn hảo, hãy hoàn thiện, đừng cầu toàn, hãy cầu tiến. Việc hướng đến những lý tưởng tốt đẹp hơn là điều cần thiết.
Nhưng hãy xem nó là một quá trình chứ không phải là một đích đến. Một quá trình tiến bộ hơn từng ngày, vì tự bản thân sự tiến bộ chứ đừng nên vì sự hoàn hảo.
2. Chủ nghĩa vật chất - materialism
Một sự đảm bảo về mặt vật chất trong cuộc sống luôn cần thiết. Ví dụ như đồ ăn, thức uống, nhà cửa, tiền bạc, phương tiện đi lại. Việc này không thể bàn cãi được.
Thế nhưng, sẽ có sự khác biệt rất lớn giữa việc xem vật chất như phương tiện để đảm bảo cuộc sống, và việc xem nó như thước đo duy nhất để quyết định giá trị của một con người.
Trong xã hội hiện đại, tư duy trọng vật chất như vậy đang ngày càng được trở nên phổ biến hơn. Nó được khuếch đại bởi văn hóa tiêu dùng, hay còn gọi là consumer culture.
Các thông điệp quảng cáo được tạo ra với mục đích thúc đẩy nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Nếu không tỉnh táo, chúng ta sẽ lầm tưởng rằng: nếu như mình không sở hữu thật nhiều của cải vật chất, mình sẽ không thể hạnh phúc.
Những món đồ xa xỉ được các nhãn hàng sử dụng như biểu tượng của địa vị và quyền lực, tạo ra tác động tâm lý. Kết quả là, chúng ta sẽ tự thấy mình thua kém nếu như không có những món đồ như vậy.
Tất nhiên, mưu cầu vật chất không có gì là sai. Thế nhưng, sự hạnh phúc của chúng ta sẽ rất dễ bị lệ thuộc vào nó. Khi đó, niềm hạnh phúc ấy có thể sụp đổ khi hoàn cảnh sống của chúng ta bất ngờ thay đổi. Nó khiến chúng ta phần nào xem nhẹ đi tầm quan trọng của những giá trị tinh thần.
Vậy lời giải cho vấn đề này là gì?
Quan niệm của tâm lý học cho rằng, chúng ta nên tập trung nhiều hơn vào ý nghĩa trong cuộc sống.
Cụ thể hơn, bạn hãy học cách trân trọng những trải nghiệm tinh thần. Cụ thể, bạn có thể tạo ra những kỷ niệm đẹp với bạn bè, người thân, làm được nhiều việc tốt, dành thời gian cho sở thích và đam mê của mình, hoặc cho việc nuôi dưỡng những mối quan hệ.
Các nghiên cứu tâm lý của Thomas Gilovich cho thấy rằng, việc dùng tiền để mua trải nghiệm, sẽ giúp chúng ta thấy hạnh phúc hơn là dùng tiền mua vật chất.
Điều này được lý giải rằng, những giá trị về vật chất thường giảm dần theo thời gian. Chẳng hạn như chiếc áo đẹp đến mấy cũng có lúc bị sờn. Chiếc xe sang tới đâu cũng sẽ đến lúc bị cũ.
Cảm giác vui sướng khi mua được một món đồ mới cũng sẽ rất nhanh phai nhạt.
Trong khi đó, những giá trị về tinh thần có được từ những trải nghiệm sẽ càng tăng lên theo thời gian, khi nó dần trở thành những kỷ niệm đẹp không thể bị thay thế.
Trải nghiệm là những thứ không thể được định giá, không thể bị đem ra so sánh. Vì thế, nó mang đến những giá trị tinh thần vô cùng ý nghĩa cho bản thân mỗi người.
3. Chủ nghĩa tối đa - maximalism hay maximizing
Nếu như ai đã từng nghe tới lối sống tối giản (minimalism), thì chủ nghĩa tối đa có thể được xem như đối nghịch với nó.
Lối suy nghĩ này khiến chúng ta luôn tìm kiếm một thứ gì đó còn tốt hơn, (giống như “được voi rồi lại đòi tiên”).
Việc này khiến chúng ta bỏ lỡ những niềm vui, xem nhẹ những khoảnh khắc tốt đẹp ở ngay trước mắt.
Ta sẽ không biết trân trọng những gì mình đang có, mà lúc nào cũng sẽ thấy mình ở trong tình trạng “thiếu”, luôn muốn mình tốt hơn, nhiều hơn, thỏa mãn hơn...
Mặt khác, chúng ta có thể rất dễ bị mắc kẹt trong việc đưa ra lựa chọn. Chúng ta sẽ luôn muốn tối đa hóa lợi ích của mình trong bất kì hoàn cảnh nào. Hành động đó sẽ rất dễ dẫn đến một vấn đề mà Barry Shwartz gọi là “the paradox of choice”, hay nghịch lý của sự lựa chọn.
Khi phải đứng trước quá nhiều sự lựa chọn, kể cả những lựa chọn đơn giản như mua món đồ gì, hoặc chọn quán ăn nào, chúng ta cũng sẽ phải đong đếm tính toán quá nhiều, dẫn đến việc không thể đưa ra quyết định.
Thậm chí, khi đã quyết định, bạn vẫn có thể ngờ vực và không thỏa mãn với quyết định của mình. Đó là còn chưa nói đến những quyết định lớn hơn như yêu ai hay chọn ngành học gì.
Để khắc phục vấn đề này, Barry Schwartz cho rằng, chúng ta nên hướng đến satisficing thay vì maximizing.
Cụ thể, chúng ta hãy hướng đến những sự lựa chọn đủ tốt, đáp ứng đủ những tiêu chí mà mình cần, thay vì những lựa chọn tốt nhất. Vì chúng ta sẽ không bao giờ có thể biết thế nào là tốt nhất cả.
Chẳng hạn như việc lựa chọn ngành học. Chúng ta sẽ không thể nào biết được ngành học nào là tốt nhất, hoặc dự đoán được tiềm năng lâu dài của nó. Chúng ta chỉ có thể chọn được ngành học phù hợp.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể học cách thực hành lòng biết ơn.
Việc bày tỏ lòng biết ơn với cuộc sống, sẽ giúp chúng ta yêu đời hơn, cảm thấy mình trọn vẹn, cảm thấy mình đã và đang có rất nhiều điều tốt đẹp, chỉ cần chúng ta chú tâm để nhận ra và trân trọng nó mà thôi.
4. Sự so sánh xã hội - social comparision
Con người là một loài động vật xã hội. Chúng ta phần nào tự định nghĩa mình qua những tương tác và những mối liên hệ với thế giới xung quanh. Vậy nên, việc so sánh với người khác là một xu hướng tâm lý rất bản năng mà chúng ta không thể tránh được.
Việc này giúp chúng ta nhận ra mình đang ở đâu, tự nhìn nhận và đánh giá năng lực bản thân mình một cách khách quan hơn.
Tuy nhiên, việc này cũng sẽ có mặt trái của nó. Nếu như tự so sánh mình với những hình mẫu không tương xứng, chúng ta rất dễ có những đánh giá sai lệch về bản thân.
Cho dù đã tài giỏi và thành công đến đâu, nhưng nếu cứ mải so đo với những người tài giỏi và thành công hơn mình, chúng ta sẽ không bao giờ cảm thấy hạnh phúc.
Trong tâm lý học, nó được gọi là upward comparison. Nghĩa là xu hướng so sánh bản thân với những người ở cao hơn mình trên một thước đo nào đó. Mình nghĩ rằng, việc này một phần giúp chúng ta biết mình cần phải phấn đấu.
Thế nhưng, nếu như bị ảnh hưởng quá nhiều bởi mindset như vậy, chúng ta cũng sẽ tự cảm thấy thua kém và bất mãn về chính mình.
Nhiều người vẫn thường nói: “đừng so sánh bản thân mình với người khác”. Nhưng mình nghĩ, việc này rất khó. Nó sẽ dễ khiến chúng ta có xu hướng tự cô lập mình.
Thay vào đó, mình nghĩ, chúng ta cần phải so sánh mình một cách lành mạnh và khôn ngoan hơn.
Thay vì cảm thấy tệ và đố kị khi nhìn thấy thành quả của người khác, hãy cảm thấy mừng cho họ, và nghĩ xem mình có thể học hỏi được điều gì từ họ.
Thành công của người khác không nhất định là thất bại của mình.
Mỗi người có một xuất phát điểm và hành trình riêng. Vậy nên, mình nghĩ, chúng ta không nên tự nhìn nhận bản thân qua lăng kính của sự hơn thua như vậy.
Thay vào đó, bạn hãy so sánh với chính những phiên bản ngày trước của mình xem sao. Ngày hôm nay mình đã tốt hơn như thế nào so với ngày hôm qua? Mình của năm 2023 đã phát triển hơn như thế nào so với mình của 2019?
Chỉ cần chúng ta có một sự tiến bộ ở bản thân mình, dù là nhanh hay chậm hơn so với người khác, cũng đều chẳng phải điều gì quá quan trọng.
Vì chúng ta đã và đang vượt qua những giới hạn của bản thân mình mỗi ngày. Dù có thế nào, đó cũng sẽ luôn là một điều đáng quý.
Final thoughts
Việc nhận thức được những mindset tiêu cực, đối với mình, là một nhận thức quan trọng.
Vì nó hướng trách nhiệm về chính bản thân mình. Nó nói lên một sự thật rằng, cuộc sống của mình có hạnh phúc hay không, sướng khổ thế nào, phần lớn là do chính mình quyết định. Trước khi chúng ta kêu than và oán trách ai, hãy thử tự nhìn nhận lại chính mình.
Nếu như chúng ta gieo những ý nghĩ tiêu cực từ trong tâm trí, nhìn nhận mọi thứ qua một lăng kính méo mó, nó sẽ kéo cuộc sống của chúng ta rơi vào một vòng xoáy đi xuống. Khi ấy, một cảm giác kém thỏa mãn là điều tất yếu.
Nhưng ngược lại, nếu chúng ta sẵn sàng tiếp cận mọi thứ từ một cái nhìn tích cực hơn, biết đủ, biết chấp nhận những thiếu sót, trân trọng những trải nghiệm, và tập trung vào quá trình phát triển của chính mình, cuộc sống cũng sẽ là một vòng xoắn đi lên.
Bạn sẽ có thể đủ đầy, trọn vẹn, và ý nghĩa hơn, cho dù bạn đang ở đâu trên hành trình của mình.
Cuối cùng, nếu như bạn cũng đang trên con đường tìm kiếm hạnh phúc của riêng mình, mình hy vọng rằng những chia sẻ này đã phần nào giúp ích được bạn.
Rất cảm ơn và hẹn gặp bạn trong những nội dung khác.
Hà Minh aka Cosmic Writer
Comments