top of page

Tháp nhu cầu Maslow

Tác giả: Kendra Cherry


Trong số những giả thuyết tâm lý về động cơ, tháp nhu cầu Maslow (Maslow’s hierarchy of needs) là giả thuyết được biết đến rộng rãi nhất. Nhà tâm lý Abraham Maslow cho rằng những hành động của chúng ta được thúc đẩy bởi các nhu cầu sinh lý nhất định.


Học thuyết về nhu cầu của Maslow thường được biểu thị bằng một đồ thị hình kim tự tháp, được phân chia thành nhiều tầng bậc, với những nhu cầu cơ bản hơn nằm dưới, làm nền tảng cho những nhu cầu phức tạp hơn nằm trên.


Trong bài viết sau đây, hãy cùng khám phá những khái niệm tổng quan về tháp nhu cầu Maslow, cũng như những tầm ảnh hưởng đáng chú ý của nó trong và ngoài phạm vi của tâm lý học.


I. THÁP NHU CẦU MASLOW LÀ GÌ?


Abraham Maslow lần đầu giới thiệu khái niệm về tháp nhu cầu trong một bài nghiên cứu năm 1943 của ông có tựa đề “Một Học Thuyết Về Động Cơ Con Người”, và lần thứ hai trong cuốn sách “Động Cơ và Tính Cách” (Motivation and Personality) được ông xuất bản sau đó.


Tháp nhu cầu này gợi ý rằng: con người thường có động lực thỏa mãn các nhu cầu cơ bản, trước khi hướng đến những nhu cầu cao cấp hơn.


Một số các học phái thời bấy giờ - ví dụ như phân tâm học (psychoanalysis) hay chủ nghĩa hành vi (behaviorism) – thường chỉ tập trung vào bệnh lý hay những hành vi “không lành mạnh”. Trong khi đó, Maslow lại hứng thú hơn trong việc tìm hiểu xem điều gì làm con người hạnh phúc, cũng như những điều họ làm để đạt đến nguyện vọng đó.


Là một người theo chủ nghĩa nhân văn (humanism), Maslow tin tưởng rằng con người luôn có một khao khát bẩm sinh trong việc “hiện thực hóa bản thân” (self-actualization), tức trở thành tất cả những gì mà họ có thể trở thành.


Tuy nhiên, trước khi có thể hoàn thành được mục tiêu tối hậu này, một số nhu cầu cơ bản hơn cần phải được đáp ứng. Trong số đó bao gồm những nhu cầu về: nguồn lương thực, sự an toàn, tình yêu thương, và lòng tự trọng (1).


Maslow tin rằng những nhu cầu này có sự tương đồng với những bản năng, và đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hành vi của con người (2). Có 5 thứ bậc cao thấp khác nhau trong tháp nhu cầu của Maslow, và sau đây là tổng quan về chúng.


LEVEL 1: NHU CẦU SINH LÝ


Nền móng căn bản nhất của tháp là những nhu cầu sinh lý (physiological needs). Những nhu cầu này của con người thường rất rõ ràng, và bao gồm những yếu tố giúp đảm bảo khả năng sinh tồn thiết yếu của chúng ta. Một số ví dụ về nhu cầu sinh lý bao gồm:


- Thức ăn

- Nước uống

- Thở

- Cân bằng nội môi


Bên cạnh những yêu cầu cơ bản về dinh dưỡng, không khí và sự điều hòa nhiệt độ cơ thể, nhu cầu sinh lý của con người cũng bao gồm nơi ở hay quần áo.


Maslow còn bao gồm cả nhu cầu sinh sản vào tầng thấp nhất của hệ thứ bậc, vì nhu cầu này là điều kiện vô cùng quan trọng cho việc duy trì và tiếp nối của giống loài.


LEVEL 2: NHU CẦU AN TOÀN


Khi ta đi đến cấp bậc thứ hai của tháp Maslow, những nhu cầu dần trở nên phức tạp hơn. Ở cấp bậc này, những nhu cầu về trạng thái an toàn và sự bảo đảm (security and safety needs) trở nên trọng yếu.


Con người, nhìn chung đều mong muốn có sự kiểm soát và trật tự trong cuộc sống của họ. Vậy nên những nhu cầu bảo đảm an ninh cho bản thân đóng vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy hành vi tại cấp bậc này. Một số nhu cầu về trạng thái an toàn bao gồm:


- An toàn về tài chính

- Sức khỏe thể chất và sức khỏe chung

- An toàn khỏi những tai nạn và tổn thương


Một vài ví dụ cho những hành động được thúc đẩy bởi nhu cầu này có thể kể đến như: tìm kiếm một công việc, có bảo hiểm sức khỏe cũng như chăm sóc y tế, đầu tư vào một tài khoản tiết kiệm, hay chuyển đến khu dân cư an ninh…


Hai cấp bậc đầu tiên của tháp Maslow, bao gồm nhu cầu an toàn và sinh lý, cùng nhau tạo thành nhóm “những nhu cầu cơ bản” (basic needs).


LEVEL 3: NHU CẦU XÃ HỘI


Những nhu cầu xã hội (social needs) trong tháp Maslow bao gồm những yếu tố như tình yêu thương, sự chấp nhận, và sự thuộc về. Tại cấp bậc này, khi đã được đảm bảo những nhu cầu cơ bản, hành vi của con người thường được thúc đẩy bởi nhu cầu kết nối về cảm xúc. Nhu cầu này sẽ được đáp ứng bởi một số ví dụ như:


- Tình bạn

- Những mối quan hệ lãng mạn

- Gia đình

- Các nhóm xã hội

- Các cộng đồng văn hóa, nghệ thuật, thể thao


Việc được cảm thấy được yêu thương và chấp nhận bởi người khác, là điều kiện rất quan trọng để một người có thể phòng tránh những vấn đề sức khỏe tâm lý, ví dụ như sự cô đơn, sự trầm cảm hay sự lo âu.


Ở cấp bậc này của tháp nhu cầu, những mối quan hệ cá nhân với bạn bè, gia đình và người yêu… đóng vai trò hết sức quan trọng. Tương đương với đó, cũng là sự tham gia vào các đội nhóm cộng đồng, các câu lạc bộ thể thao, nghệ thuật, hay các hoạt động tập thể khác, giúp một người có được những kết nối cảm xúc lành mạnh.


LEVEL 4: NHU CẦU TÔN TRỌNG


Hiện diện tại cấp bậc thứ tư trong tháp Maslow, là nhu cầu được trân trọng và được nể phục. Một khi những nhu cầu ở ba cấp bậc bên dưới được thỏa mãn, nhu cầu được tôn trọng (esteem needs) bắt đầu đóng một vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy hành vi.


Tại cấp bậc này, ưu tiên của một người nằm ở việc nhận được sự tôn trọng từ người khác. Con người, nhìn chung đều có mong muốn đạt được cho bản thân những thành tựu, và nhận được sự công nhận từ người khác cho những nỗ lực ấy.


Bên cạnh nhu cầu được cảm thấy mình thành công và có uy danh, nhu cầu được tôn trọng ở cấp bậc này còn bao gồm cả lòng tự trọng (self-esteem) và giá trị bản thân (personal worth).


Mỗi cá nhân đều có nhu cầu được cảm thấy rằng họ được quý trọng bởi người khác, và đang đóng góp điều gì đó cho thế giới. Để thỏa mãn những nhu cầu này, có thể kể đến một số ví dụ như: tham gia vào các công việc có tính chuyên nghiệp cao, đạt được các thành công trong học thuật, sự nghiệp, hoặc có những thú vui cá nhân.


Những người có thể tự đáp ứng những nhu cầu được tôn trọng, cũng thường cảm thấy tự tin vào khả năng và giá trị của mình (3). Ngược lại, những người thiếu đi lòng tự trọng và sự tôn trọng từ người khác, có thể sẽ phát triển những cảm giác thua kém và tự ti.


Những nhu cầu xã hội và những nhu cầu được tôn trọng, cùng nhau tạo thành nhóm “những nhu cầu tâm lý” của tháp Maslow.


LEVEL 5: NHU CẦU HIỆN THỰC HÓA BẢN THÂN


Tại đỉnh cao nhất của tháp Maslow, là những nhu cầu thường được biết đến với tên gọi “hiện thực hóa bản thân” (self-actualization needs).


Những người có thể “hiện thực hóa bản thân”, là những người thường có sự tự ý thức (self-aware), quan tâm đến sự phát triển cá nhân, ít quan tâm đến ý kiến của người khác, và khao khát được khai phóng những năng lực tiềm ẩn của mình.


Khi nhắc đến nhu cầu được phát huy những tiềm năng cao nhất của mỗi cá nhân, Maslow giải thích: “những gì một người có thể trở thành, họ phải trở thành”.


Theo định nghĩa của Maslow về khái niệm “hiện thực hóa bản thân”, “nó có thể được hiểu một cách đơn giản như việc khai thác và tận dụng toàn bộ các tài năng (talents), khả năng (capabilities), và tiềm năng (potentials) mà một người sở hữu."


"Những người có thể làm được như vậy, dường như có thể tự thỏa mãn bản thân họ, và có thể làm được những gì tốt nhất mà họ có thể làm. Họ là những người đã hoặc đang phát triển những tố chất của họ đến một tầm vóc trọn vẹn và hoàn thiện nhất mà họ có thể chạm đến.”


Để hiểu theo một cách khác, họ là những người đã và đang tự chuyển hóa để trở thành phiên bản tốt nhất của chính họ.


II. NHỮNG LOẠI NHU CẦU KHÁC NHAU


Tháp nhu cầu Maslow có thể được phân chia thành hai loại nhu cầu: những nhu cầu thiếu hụt (deficiency needs) và những nhu cầu phát triển (growth needs) (4).


1. Những nhu cầu thiếu hụt: những nhu cầu bậc thấp bao gồm sinh lý, an toàn, xã hội và kính trọng, sinh ra từ sự thiếu hụt mà mỗi cá nhân cảm thấy cần được khỏa lấp. Việc đáp ứng những nhu cầu bậc thấp này là rất quan trọng trong việc phòng tránh những cảm xúc tiêu cực, hay các hậu quả không mong muốn trong cuộc sống.


2. Những nhu cầu phát triển: Maslow định nghĩa tầng cao nhất của kim tự tháp là những nhu cầu phát triển. Những nhu cầu này không cấu từ sự thiếu hụt một điều gì đó, mà là từ khao khát được phát triển của mỗi con người.


Lý thuyết về tháp nhu cầu thường được minh họa khái quát như một hệ thống thứ bậc cứng nhắc. Nhưng trên thực tế, Maslow có lưu ý rằng: trình tự đáp ứng những nhu cầu này không phải lúc nào cũng theo sát một lộ trình phát triển theo tiêu chuẩn.


Ví dụ, ông lấy chỉ ra với một số cá nhân, nhu cầu cho lòng tự trọng của họ còn quan trọng hơn nhu cầu cho tình yêu thương. Với những người khác, nhu cầu cho sự thỏa mãn sáng tạo có thể đè lên trên cả những nhu cầu cơ bản nhất.


III. NHỮNG QUAN ĐIỂM PHÊ BÌNH


Trong những thập kỷ qua, học thuyết của Maslow đã trở nên nổi tiếng một cách “lạ thường”, cả trong và ngoài giới tâm lý học. Đặc biệt là trong những lĩnh vực đào tạo và kinh doanh, học thuyết này đã tạo ra tầm ảnh hưởng đáng kể.


Dù rất nổi tiếng, khái niệm của Maslow không tránh khỏi những quan điểm phê bình. Trong số đó, dưới đây là những phê phán nổi bật:


1. Những nhu cầu không theo một thứ hạng: Trong khi có một số nghiên cứu đã thể hiện sự ủng hộ đối với những học thuyết của Maslow, phần lớn các nghiên cứu không thể minh chứng được cho quan niệm thứ bậc hóa những nhu cầu. Whba và Bridwell (những nhà nghiên cứu ở Cao đẳng Baruch) đã báo cáo rằng: có rất ít bằng chứng cho sự phân chia cấp bậc những nhu cầu này của Maslow, và càng ít bằng chứng hơn cho việc những nhu cầu ấy được hệ thống theo một trật tự nhất định (5).


2. Học thuyết này rất khó để kiểm chứng: Một số phê bình khác của học thuyết Maslow lưu ý rằng: định nghĩa của ông về “hiện thực hóa bản thân” thực sự rất khó để kiểm nghiệm một cách khoa học (6). Những nghiên cứu của ông về “hiện thực hóa bản thân” cũng đồng thời được dựa vào một số mẫu thử hạn chế, bao gồm cả những người ông quen biết, cũng như dựa trên tiểu sử của một số những cá nhân nổi tiếng, những người mà Maslow tin rằng đã đạt được đến ngưỡng hiện thực hóa bản thân.


Một số phê bình gần nhất gợi ý rằng Maslow được truyền cảm hứng từ các hệ thống đức tin của Blackfoot Nation (một bộ lạc thổ dân Châu Mỹ), khi những bài thuyết giảng của các thành viên bộ lạc cho thấy có nhiều điểm tương đồng về mặt lý thuyết với tháp nhu cầu của Maslow (7).


IV. TẦM ẢNH HƯỞNG CỦA THÁP MASLOW


Bỏ qua những phê bình trên, tháp nhu cầu Maslow vẫn phần nào đại diện cho một sự dịch chuyển quan trọng trong tâm lý học. Thay vì tập trung vào những hành vi và sự phát triển bất thường, tâm lý học nhân bản (humanistic psychology) của Maslow tập trung vào sự phát triển của một cá nhân khỏe mạnh.


Mặc dù có rất ít nghiên cứu hỗ trợ cho học thuyết của Maslow, hệ thống tháp nhu cầu của ông vẫn là một mô hình cực kì nổi tiếng, được ứng dụng rộng rãi cả trong và ngoài giới tâm lý. Trong một báo cáo được xuất bản năm 2011, các nhà nghiên cứu từ Đại học Illinois đã kiểm nghiệm mô hình tháp nhu cầu kỹ lưỡng hơn (8 ).

Những khám phá mới cho thấy: mặc dù sự thỏa mãn những nhu cầu có mối liên hệ chặt chẽ với sự hạnh phúc, con người từ nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới đều đã thuật lại rằng: những nhu cầu xã hội và nhu cầu hiện thực hóa bản thân vẫn luôn là cực kỳ quan trọng, cho dù những nhu cầu cơ bản hơn có thể vẫn chưa được đáp ứng.


Những kết quả như vậy gợi ý rằng: những nhu cầu này có thể là những nguồn động lực mạnh mẽ cho hành vi của con người, nhưng chúng không nhất thiết phải được hệ thống dưới một hệ phân tầng thứ bậc mà Maslow đã miêu tả.


LỜI KẾT


Cho dù bạn có theo học thuyết của Maslow hay không, góc nhìn của ông vẫn làm sáng tỏ những nhu cầu mà mỗi con người chúng ta đều có.


Và ngay cả khi những nhu cầu này không được đáp ứng theo một trật tự nhất định, nhận thức về chúng trong những tương tác với người khác có thể giúp chúng ta ân cần và tôn trọng hơn.


Tác giả: Kendra Cherry

Nguồn: Verywellmind

Dịch: Mai Thông

Biên tập: Hà minh


Tham khảo:

(1) Lester D, Hvezda J, Sullivan S, Plourde R. Maslow's Hierarchy of Needs and Psychological Health. J Gen Psychol. 1983;109(1):83-85.

(2) Taormina RJ, Gao JH. Maslow and the Motivation Hierarchy: Measuring Satisfaction of the Needs. Am J Psychol. 2013;126(2):155-77.

(3) Wang JL, Zhang DJ, Jackson L. Influence of self-esteem, locus of control, and organizational climate on psychological empowerment in a sample of Chinese teachers. J App Soc Psychol. 2013;43(7):1428-1435.

(4) Noltemeyer A, James A, Bush K, Bergen D, Barrios V, Patton J. The relationship between deficiency needs and growth needs: The continuing investigation of Maslow's theory. Child Youth Serv. 2021:42(1):24-42.

(5) Wahba MA, Bridwell LG. Maslow Reconsidered: A Review of Research on the Need Hierarchy Theory. Organiz Behav Human Perform. 1976;15:212–240.

(6) Agrawal KG, Sharma BR. Gratification, metamotivation, and Maslow. Vikalpa. 1977;2(4):265-72.

(7) Feigenbaum KD, Smith RA. Historical narratives: Abraham Maslow and Blackfoot interpretations. Humanistic Psychol. 2020;48(3):232-43.

(8 ) Smith RA, Feigenbaum KD. Maslow's intellectual betrayal of Ruth Benedict? J Humanistic Psychol. 2012;53(3):307-21.

(9) Tay L, Diener E. Needs and Subjective Well-Being Around the World. J Pers Soc Psychol. 2011;101(2):354-65.


Comments


bottom of page