Hãy cứ là chính mình.
Đây là một lời khuyên mà người trẻ chúng ta khi mới bước vào cuộc đời đều đã từng được nghe đến rất nhiều.
Bản thân mình nhận thấy, đây là một lời khuyên rất ý nghĩa, vì nó nhắc nhở rằng mình không cần phải chạy theo ai, không cần tìm cách để được sống một cuộc đời của người khác, theo những tiêu chuẩn của người khác.
Thay vào đó, mình hãy cứ sống đúng với những giá trị riêng biệt và độc nhất của chính mình.
Nhưng việc này thực chất không đơn giản.
Khi mình gặp gỡ và trao đổi với nhiều bạn trẻ, mình nhận ra, phần lớn chúng ta vẫn còn cảm thấy mông lung về chính mình. Chúng ta vẫn chưa đủ hiểu mình là ai, mình có những giá trị gì, và mình muốn sống một cuộc đời ra sao.
Nếu như còn mông lung như vậy, chúng ta sẽ có thể “là chính mình” bằng cách nào?
Đây là một vấn đề rất phổ biến, nhất là với những người trẻ ở độ tuổi 20.
Bản thân mình cũng đã từng trải qua những giai đoạn bất ổn y như vậy. Khi mọi thứ vẫn chưa rõ ràng, mình đã bị buộc phải đưa ra những sự lựa chọn quan trọng cho cuộc đời, như học ngành gì, làm nghề gì, hướng đến những điều gì tương lai.
Dưới áp lực như vậy, mình đã từng đi sai đường, đã từng bị rơi vào những cuộc “khủng hoảng bản dạng” (identity crisis). Phải đến năm 23 tuổi, khi bắt đầu quay trở về và đặt ra những câu hỏi về bản thân, mình mới tìm được một hướng đi mới đúng hơn với năng lực của bản thân như mình đang đi bây giờ.
Cũng nhờ câu chuyện này nên mình liên tục được hỏi: làm cách nào mình đã tìm ra được hướng đi như vậy?
Thế nhưng, câu trả lời thật lòng của mình thường khiến cho nhiều người thất vọng.
Một sự sáng tỏ không tự nhiên đến một cách thần kỳ, từ một khoảnh khắc bất chợt nào cả. Nó là kết quả của một hành trình dài quay trở về và làm việc với chính mình.
Hay nói cách khác, đây là một quá trình học cách để tự thấu hiểu bản thân.
Vậy thì, làm sao để thấu hiểu được bản thân mình?
Tất cả sẽ được mình giải đáp trong bài viết này. Hy vọng qua đây, bạn sẽ có thêm nhiều góc nhìn thú vị và hữu ích.
1. Hiểu bản thân từ những trải nghiệm mới
Mình từng chia sẻ điều này trước đây:
Nếu bạn muốn tìm ra một con đường cho mình, nhưng tất cả những con đường bạn từng biết hoặc từng đặt chân đến, chỉ là một vài con phố loanh quanh khu nhà mình, bạn nhất định nên đi xa hơn, khám phá nhiều hơn.
Bởi vì, khi bước ra ngoài vùng an toàn của mình, đặt bản thân vào những hoàn cảnh mới, bạn cũng sẽ khám phá ra thêm nhiều điều mới về chính mình, tự nhìn thấy mình ở những góc độ mới, dưới những ánh sáng mới.
Nói cách khác, mình hay gọi đây là sự “cọ xát” với cuộc sống.
Nếu như chưa biết mình giỏi thứ gì và đam mê thứ gì, mình nghĩ, cách tốt nhất chính là cho mình cơ hội để thử, để mở rộng thế giới quan của mình ra hơn.
Nếu như một trải nghiệm phù hợp với mình, đó là một chỉ dẫn tuyệt vời. Còn nếu như không phù hợp, đó cũng vẫn là một bài học giá trị, để mình biết và rẽ hướng khác, mà không phải day dứt bất kỳ điều gì.
Như với mình, việc làm sáng tạo nội dung mở ra cho mình rất nhiều trải nghiệm mới. Ví dụ như trở thành tác giả sách, một mơ ước mà mình đã ấp ủ từ khá lâu. Ngoài ra, còn có những trải nghiệm trước kia mình thật sự chưa từng nghĩ đến. Ví dụ như việc làm diễn giả, làm giảng viên, xây dựng cộng đồng, sáng lập các dự án…
Mặc dù phải làm những việc chưa từng làm, cảm thấy có một chút lo sợ, nhưng mỗi trải nghiệm như vậy là một lần mình đối diện với những giới hạn của bản thân, và khám phá ra thêm ở bản thân một điều gì đó mới.
Kể cả đó là những trải nghiệm không thành công, mình cũng sẽ biết bản thân còn thiếu sót ở đâu, và cần phải học thêm những gì.
Hơn hết, mình cho rằng, đó là giá trị của những trải nghiệm mới. Nó đẩy bạn đến giới hạn, khiến bạn mở rộng vốn sống của mình, và thiết lập được những giới hạn mới.
Nhưng mới chỉ trải nghiệm không thôi chưa đủ, nếu như sau đó bạn không đúc kết được ra điều gì.
Trải nghiệm rồi lại cần phải có sự chiêm nghiệm.
Nghĩa là, bạn sẽ cần phải có sự tự nhìn nhận lại chính mình.
một trong những trải nghiệm đáng nhớ trong hành trình thấu hiểu bản thân của mình - trở thành diễn giả TEDx
2. Tự nhìn nhận lại chính mình
Việc tự nhìn nhận lại bản thân mình, tự xem mình như là một thực thể cần phải được khám phá, chính là một mindset cực kì cần thiết để bạn bắt đầu hành trình thấu hiểu chính mình.
Nó là một sự thừa nhận rằng: à, mình còn rất nhiều điều về bản thân mình mà mình chưa hiểu.
Thực tế đúng như vậy.
Có những suy nghĩ, cảm xúc, hành vi của chúng ta được hình thành một cách vô thức. Chúng ta sẽ cần tự soi chiếu, phân tích, mới hiểu được tại sao mình lại trở thành con người như hiện tại.
Việc này sẽ hướng trở về bên trong, để mình học cách quan sát và cảm nhận cái thế giới nội tâm đầy phức tạp và sâu sắc của mình, khiến nó trở nên rõ ràng và thấu suốt hơn. Mình nhận diện được bản thân có những cảm xúc gì, suy tư gì, niềm tin gì và hiểu được tường tận vì sao lại thế.
Ở một góc độ nào đó, mình cho rằng, việc sẵn sàng nhìn nhận lại bản thân là một mindset mang tính khiêm nhường.
Mình đặt bản thân vào vị thế của một người học, đang sẵn sàng được khám phá những hiểu biết mới. Thay vì tự cho rằng mình đã hiểu biết hếti và vội vàng tự định nghĩa mình trong một vài khái niệm hạn hẹp, hãy tiếp cận với chính mình bằng một tâm thế cởi mở như vậy.
Vì thực chất, ở bên trong mỗi chúng ta vẫn luôn sẽ còn những phẩm chất, những tiềm năng chưa được khai phóng.
Đọc thêm: Giàu nhanh nhờ lòng biết ơn
Bạn có thể làm được việc này bằng cách nào?
Một cách cực kì hiệu quả để phát triển sự tự nhận thức về mình, đó là “thiền chánh niệm”, hay mindfulness meditation.
Việc thực hành thiền định, nhìn từ bên ngoài sẽ thường bị lầm tưởng là không làm gì cả, nhưng thực chất nó rèn luyện chúng ta việc “nhận biết” một cách có chủ đích.
Chẳng hạn như, chúng ta sẽ biết cách để “nhận biết” hơi thở, cơ thể, những suy nghĩ hay sự hiện diện của mình.
Nhờ sự “nhận biết” một cách có chủ đích như vậy, năng lực “nhận biết” sẽ được cải thiện. Nó sẽ được trở nên sáng suốt hơn, bao trùm hơn, giúp bạn có được thêm những insight mới về bản thân.
Mình từng làm một vài video dẫn thiền trước đây.
Có thể sau này mình sẽ chia sẻ sâu hơn về vấn đề này. Nhưng vì việc thực hành thiền không hẳn dễ, thường hay bị hiểu sai, nên có một giải pháp khác mình cho rằng sẽ dễ hơn cho những người mới bắt đầu.
Đó là việc thực hành viết phản chiếu, hay reflective writing.
3. Viết phản chiếu để hiểu mình hơn
Viết phản chiếu là khi bạn có sự tự nhìn nhận lại chính mình, nhìn nhận lại những gì bạn đã trải qua.
Nhưng thay vì chỉ đơn thuần là thuật lại bằng từ ngữ, bạn sẽ chủ động diễn giải ý nghĩa đằng sau những sự tự nhìn nhận đó, với mục đích là khám phá thêm những hiểu biết mới xuyên suốt quá trình viết.
Chỉ cần một cây bút, một tờ giấy, hoặc một chiếc màn hình, một chiếc bàn phím, bạn có thể làm được việc này.
Điều này mình rút ra từ trải nghiệm của bản thân.
Như mọi người cũng thấy với cái tên Cosmic Writer, mình là một người viết.
Mình đã xuất bản một cuốn sách của riêng mình, và sở hữu một trang blog với khoảng hơn 70,000 người đọc.
Đối với mình, viết còn hơn cả một niềm đam mê. Việc biểu đạt được những cảm xúc, những suy nghĩ của mình ra thành từ ngữ đã giúp mình được kết nối trở lại với chính mình rất nhiều.
Càng viết, những cảm nghĩ rối ren trong đầu mình như thể được sắp xếp lại một cách rành mạch và ngay ngắn hơn. Mình không chỉ nhìn ra được vấn đề nằm ở đâu, mà còn tự tìm ra được cho mình cách giải quyết phù hợp.
Mình rút ra điều này trong quá trình học thạc sĩ ở Úc. Thời đó, sinh viên phải viết reflection rất nhiều. Cứ mỗi khi xong một dự án, sinh viên sẽ được yêu cầu phải nhìn nhận lại, xem mình đã làm tốt ở đâu, chưa tốt ở đâu, và sẽ cải thiện như thế nào trong những lần sau.
Mình cũng từng chia sẻ điều này trong cuốn sách của mình, và nhận được một số câu hỏi về hình thức viết này trong buổi offline hồi đầu tháng 6/2023.
Với sự quan tâm như vậy, mình nhận thấy, nhiều người phần nào đã hiểu được lợi ích của viết, và cảm thấy mình cần phải có thói quen này, nhưng lại chưa biết bắt đầu từ đâu, hoặc phải bắt đầu như thế nào.
Cũng chính vì thế, mình đã cất công xây dựng một khóa viết: Know Thyself.
Khóa viết này dành cho những ai cũng đang trên hành trình trở về với chính mình, đang tìm kiếm một sự rõ ràng và sáng tỏ ở bản thân để tìm ra một con đường phát triển phù hợp.
Thông qua khóa học này, bạn sẽ có thể hình thành cho mình thói quen viết, có thể biểu đạt hiệu quả hơn suy nghĩ của mình, và xây dựng giá trị bản thân.
Trong khóa học này, mình có hướng dẫn viết, đi cùng với kiến thức và 12 đề bài thực hành viết, tương ứng với 12 tuần. Bạn có thể tham khảo tại đây nhé.
Là một người viết đã được khoảng 5 năm, mình có thể khẳng định rằng, đây là một thói quen vô cùng lợi hại, thậm chí đã thay đổi cuộc đời mình. Nó vừa giúp mình tư duy một cách sâu sắc hơn, vừa giúp mình giao tiếp được với bản thân một cách tử tế hơn, và đồng thời giúp mình học cách để quản lý và cân bằng được cảm xúc.
Việc viết ra những gì bên trong mình không chỉ mang giá trị cho bạn trong quá trình viết, mà còn giúp bạn có thể tự nhìn nhận lại mọi thứ ở một góc nhìn khách quan hơn.
Về sau, bạn có thể tự đọc lại những gì mình đã viết. Như mình đã từng viết trong một bài đăng thế này:
“Nếu như soi mình vào gương, ta thấy hình ảnh phản chiếu của ngoại hình, thì khi soi mình vào trang giấy, ta thấy hình ảnh phản chiếu của nội tâm. Hình ảnh ấy biểu lộ tất cả: không phải chỉ là những nỗi thống khổ hay sự tổn thương, mà còn cả những sức mạnh tiềm ẩn và niềm tin yêu dành cho cuộc sống.”
4. Thấu hiểu bản thân từ một góc nhìn khách quan hơn
Để có được một cái nhìn đa chiều và chân thực nhất có thể về bản thân mình, mình cho rằng, chúng ta cũng sẽ cần phải tự đặt mình ở một góc nhìn khách quan hơn.
Tất nhiên, một sự khách quan tuyệt đối là không thể.
Nhưng, nhiều khi, bạn đã có sẵn những thiên kiến về bản thân mình, một sự tự đánh giá mang tính chủ quan như là về yêu-ghét, tốt-xấu, và nó sẽ cản trở bạn trong việc nhìn nhận được bản chất thật sự của vấn đề.
Một góc nhìn khách quan, theo mình, có thể hiểu đơn giản là tách rời bản thân ra khỏi những định kiến, những phán xét. Chúng ta sẽ tự nhìn nhận lại mình cho thật tỏ tưởng, trước khi vội vàng tôn vinh hay chỉ trích.
Để nhìn nhận được bản thân một cách chân thực và toàn diện như vậy, mình nghĩ, chúng ta sẽ cần sẵn sàng giải phóng bản thân ra khỏi những cách tư duy cũ, để khám phá những hiểu biết mới, hay thậm chí là sẵn sàng phản biện lại những định kiến sẵn có của mình.
Hoặc, bạn có thể hỏi xin ý kiến của những người thân xung quanh mà bạn tin tưởng.
Tất nhiên, những nhận xét đó cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi những thiên kiến của riêng họ, nhưng phần nào sẽ có thể giúp bạn nhìn ra được những điểm mù của mình, nghĩa là những khía cạnh ở bản thân bạn nhưng bạn chưa tự nhìn ra.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tìm đến các bài trắc nghiệm tâm lý để có một cái nhìn khái quát hơn. Ngày nay, có rất nhiều những công cụ như vậy, như đo lường tính cách, đo lường mức độ hạnh phúc, phân loại giá trị bản thân… Đây là những thước đo được chuẩn hóa bằng phương pháp khoa học để thông qua đó, bạn có thể tự đánh giá được chính mình một cách công bằng nhất có thể.
Nhưng thấu hiểu bản thân, không phải chỉ là có thêm sự hiểu biết.
Mà quan trọng là từ những hiểu biết đó, chúng ta suy nghĩ và hành động khác đi như thế nào. Suy cho cùng, những hiểu biết đó cũng chỉ đơn giản là để chỉ dẫn cho chúng ta đối xử với chính mình tốt hơn.
Nếu như sự đồng cảm là khi chúng ta nhận diện được cảm xúc của người khác, thì lòng trắc ẩn là khi sự đồng cảm được đi cùng với mong muốn giúp đỡ. Với chính bản thân mình cũng vậy, sự thấu hiểu và muốn giúp cho bản thân tốt hơn được giới tâm lý học gọi là self-compassion, hay lòng tự trắc ẩn.
Nhu cầu thấu hiểu bản thân, theo mình thấy, sở dĩ nó cần thiết đến thế, là vì chúng ta muốn mình và cuộc sống của mình trở nên tốt hơn. Chúng ta muốn biết cách để nuôi dưỡng và phát triển chính mình, để xây dựng được cho bản thân một hệ giá trị vững vàng, làm định hướng cho cuộc sống.
Như thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói: “hiểu là tên gọi khác của yêu thương”.
Nói cách khác, hiểu về bản thân, chính là để biết cách để yêu thương mình tốt hơn. Và thực chất việc này không dễ dàng.
Vì khi bạn trở về và đối diện với chính mình, bạn cũng sẽ thấy những khía cạnh ở bản thân mình chưa được tốt, có thể là những tổn thương, hay là những điểm xấu, điểm yếu nào đó mà bạn không thể ưa được. Và vì đó mà bạn phủ nhận hoặc chối bỏ chính mình.
Nhưng trên hành trình thấu hiểu bản thân, thì bạn sẽ cần phải học cách để chấp nhận điều đó, chấp nhận cả những điều khó chấp nhận.
Nghĩa là thôi không tự phán xét bản thân một cách quá tiêu cực, chấp nhận rằng mình không phải là một con người hoàn hảo, để mà đối xử với mình một cách bao dung hơn, cảm thông hơn, tử tế hơn.
Vì chỉ từ một tâm thế như vậy, một thái độ tự trắc ẩn mà chúng ta mới có thể tự giúp được mình. Chúng ta sẽ chăm sóc và phát triển bản thân không phải vì một sự chối bỏ con người mình hiện tại, mà là vì thương mình, muốn tốt cho mình, muốn mình được trở nên trọn vẹn và hạnh phúc...
Lời kết
Và cuối cùng thì, thấu hiểu bản thân là một hành trình dài.
Càng đi xa hơn, chúng ta sẽ lại càng khám phá ra ở mình thêm những hiểu biết mới. Chúng ta sẽ nhận ra rằng, việc hiểu được hoàn toàn về con người mình gần như không thể.
Nhưng, việc kết nối sâu hơn với chính mình sẽ luôn là một điều cần thiết. Vì chỉ từ đó, chúng ta mới có thể tìm ra được những con đường phù hợp với mình, đưa ra những sự lựa chọn đúng nhất với mình, và sống một cuộc đời như chúng ta thật sự mong muốn được sống.
Mình nghĩ, đó là giá trị ý nghĩa nhất của hành trình này.
Chỉ bằng một sự hiểu biết như vậy về mình, chúng ta mới có thể thật sự là chính mình. Để một ngày nào đó nhiều năm nữa, chúng ta không cảm thấy rằng mình chưa thật sự hiểu rõ bản thân, chưa thật sự được sống cho chính mình, và không cảm thấy luyến tiếc điều gì cả.
Hiểu về bản thân, chính là để chúng ta biết mình là ai, mình muốn trở thành ai, và muốn sống cuộc đời mình thế nào. Nó là để chúng ta quay trở về bên trong, và tìm ra được những câu trả lời quan trọng của cuộc sống, những câu trả lời vốn đã ở bên trong chính mình nhưng chúng ta chưa từng nhìn ra.
Nếu như đã đọc hết từ đầu cho tới đây, mình tin, bạn cũng đang và sẽ đi trên một hành trình như vậy của riêng mình.
Mình rất hy vọng, những chia sẻ này của mình đã mang lại được những góc nhìn có giá trị cho bạn, giúp bạn phần nào sáng tỏ hơn một chút về bản thân.
Rất cảm ơn bạn đã ở đây, và đã dành thời gian để lắng nghe những tâm sự của mình.
Hẹn gặp bạn trong những nội dung khác nhé.
Hà Minh - Cosmic Writer
Comments