top of page

4 thói quen giúp bạn phát triển bản thân toàn diện

Nếu như đang muốn phát triển bản thân, và cải thiện cuộc sống của mình, dù là về học tập, sự nghiệp, hay đời sống cá nhân, cách tốt nhất bạn có thể làm, đó là:


Hãy xây dựng các thói quen tích cực. 


Mình biết, chúng ta đều đã từng được nghe lời khuyên này không ít lần. Chúng ta đều ngầm hiểu đó là việc mình cần làm để cải thiện chất lượng cuộc sống.


Nhưng với những người mới, việc này thật sự không hề dễ. Nhất là khi, có quá nhiều thứ cần làm, và chúng ta không biết phải bắt đầu từ đâu cả. 


Trong nội dung ngày hôm nay, mục tiêu của mình sẽ là đơn giản hóa vấn đề hơn một chút.


Câu trả lời bạn cần, sẽ chỉ nằm ở 4 cái thói quen này. 4 thói quen cực kì cơ bản và hiệu quả, sẽ có thể giúp bạn phát triển bản thân mình toàn diện.


Toàn diện ở đây bao gồm cả về thể chất, tinh thần, tư duy, và hiểu biết của bạn. Thử tưởng tượng, nếu như cuộc sống của bạn được cải thiện ở tất cả khía cạnh này, bạn sẽ có thể trở nên xuất sắc hơn, thành công hơn, hạnh phúc hơn thế nào.


Đây cũng chính là những thói quen bản thân mình đã áp dụng. Và nó cũng đã hoàn toàn thay đổi cuộc sống của mình, từ chỗ thất bại, cho đến thời điểm này… đã bớt thất bại hơn một chút.


Nhưng bên cạnh việc giới thiệu cho bạn những thói quen đó là gì, mình cũng sẽ giải thích để mọi người có một cái hiểu sâu hơn. Tại sao những thói quen đó là cần thiết? Nó giúp cải thiện cuộc sống của chúng ta như thế nào? Cùng với đó là một số những gợi ý để bạn áp dụng những thói quen đó vào cuộc sống hàng ngày.


Nếu như bạn đã sẵn sàng, mình cùng bắt đầu nhé.



1. Vận động cơ thể


Thói quen đầu tiên, cũng là một thói quen thử thách nhất đối với mình. 

Đó là vận động cơ thể.


Nghe rất quen thuộc phải không? Nhưng để mình giải thích sâu hơn một chút.

Cơ thể sinh học bạn đang có, sau hàng trăm triệu năm tiến hóa, nó đã được tối ưu cho nhu cầu di chuyển, vận động và sinh tồn ngoài thế giới tự nhiên.


Nhưng trong thế giới hiện đại ngày nay, nhu cầu vận động của con người đã giảm đi đáng kể. Chúng ta có các phương tiện để di chuyển, có máy móc để làm được mọi thứ từ xa, có các thiết bị thông minh để giải trí tại chỗ và hầu như không còn phải vận động quá nhiều.


Sự mất cân bằng về lối sống như vậy, trong nghiên cứu được gọi là sedentary lifestyle, và nó dẫn đến rất nhiều vấn đề. Không phải chỉ là vấn đề về sức khỏe, mà còn là vấn đề về tâm lý.

vận động cơ thể
vận động cơ thể

Vậy, thói quen rèn luyện cơ thể mang lại cho chúng ta những lợi ích gì?


Nhiều người hiểu đơn giản việc vận động, thể dục thể thao… chỉ là vì nhu cầu thẩm mỹ. Để giảm mỡ, tăng cơ, giúp cho cơ thể của mình không phải là nguyên nhân khiến cho người khác bị nhức mắt. Mình không phủ nhận, đây là một nhu cầu chính đáng, có thể giúp chúng ta cải thiện được sự tự tin về ngoại hình của mình. 


Nhưng thực chất giá trị của việc rèn luyện cơ thể còn vượt xa hơn như vậy. 


Thứ nhất, vận động thường xuyên giúp chúng ta giảm các nguy cơ bị mắc bệnh về tim mạch, về xương khớp, và nhiều vấn đề khác.


Nó giúp giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh như endorphin, serotonin, và dopamine, giúp bạn cải thiện tâm trạng của mình, cảm thấy thoải mái hơn, hưng phấn hơn, và có nhiều năng lượng hơn trong những sinh hoạt hàng ngày.


Bên cạnh đó, việc rèn luyện thể chất, cũng đồng thời rèn luyện bộ não của bạn một cách cực kì đáng kể. Nghiên cứu cho thấy, thói quen này giúp gia tăng được neuroplasticity - mức độ đàn hồi của não bộ, giúp gia tăng chất xám ở vùng não hippocampus, giúp cho bạn dễ dàng học được những kỹ năng mới, và giúp tâm trí của bạn giữ được sự tinh nhanh kể cả khi đã có tuổi.


Không những thế, khi dần hình thành được thói quen vận động, bạn cũng sẽ dần để ý nhiều hơn đến thói quen ăn uống của mình. Bạn sẽ chịu khó ăn sạch hơn, ăn đủ chất, đúng bữa, để công sức tập luyện của mình không bị bỏ phí.


Cuối cùng, cho dù bạn tập các bài tập về sức mạnh, sức bền, hay mức độ dẻo dai, nó cũng đều sẽ thử thách cái sức chịu đựng của bạn, giúp cho tinh thần của bạn được trở nên kiên cường hơn.


Bản thân mình từng là một người khá lười vận động. Việc hình thành thói quen này đối với mình từng mất khá nhiều thời gian. Nhưng đến khi mình kiên trì với nó đủ lâu, sức ảnh hưởng mà nó tạo ra cho mình rất dễ thấy.


Và với kinh nghiệm của một người khá lười vận động như mình, mình nghĩ, cách tốt nhất để bắt đầu thói quen này, là hãy bắt đầu với từng bước nhỏ.


Đừng ép bản thân mình phải vận động ở cường độ quá mạnh ngay từ đầu, vì nếu như cơ thể không chịu được, quá đau hay quá mệt, chúng ta sẽ khó có thể duy trì được.

Bắt đầu nhẹ nhàng, nhưng quan trọng phải có sự kiên trì. Rồi dần khi cơ thể thích nghi tốt hơn, bạn có thể tăng dần độ khó lên cho mình.


Bên cạnh đó, hãy bắt đầu tại nhà trước. Nâng cái gì đó nặng. Hoặc xỏ giày ra ngoài chạy bộ. Làm quen với việc này trước khi bạn bỏ tiền ra cho phòng tập gym hay huấn luyện viên. Có rất nhiều bài tập chất lượng mà không cần nhiều đến thiết bị hay đồ nghề gì phức tạp. Bạn chỉ cần lên Youtube tìm hiểu và làm theo, mình nghĩ đó là một xuất phát điểm khá tốt.


2. Đọc sách


Một thói quen mình nghĩ cũng sẽ rất thử thách đối với người trẻ ngày nay, đó là đọc sách.


Mình biết, vì sinh ra trong kỷ nguyên internet và đã quá quen thuộc với việc tiêu thụ những nội dung ngắn, việc ngồi xuống để đọc được hết một cuốn sách, là một việc đòi hỏi sự tập trung và tự chủ cực kì lớn. 


Nhưng mình nhận thấy một sự thật thế này:


Điều gì càng đòi hỏi nhiều sự cố gắng của bạn, tác động nó tạo ra cho bạn càng lớn. Đó là lý do vì sao ở cái thời đại này, khi thông tin và kiến thức có thể dễ dàng được tìm thấy trên mạng, mình vẫn cho rằng việc đọc sách là một thói quen cực kì quan trọng. 


Nếu như bạn chọn được đúng những cuốn sách phù hợp với mình, đọc bằng sự chú tâm và nghiền ngẫm, mình tin, bạn sẽ học được từ sách những kiến thức chất lượng hơn rất nhiều so với cả những thông tin vụn vặt trên internet. Đó sẽ không phải chỉ là biết những thứ bề nổi, mà thậm chí bạn còn sẽ hiểu sâu. 


Thậm chí, thông qua những trang sách, bạn có thể được gặp gỡ những bậc vĩ nhân trong quá khứ, như là Socrates, Marcus Aurelius… như thể được vượt qua thời gian để trò chuyện cùng với họ. Đối với mình, đây là một trải nghiệm khá phi thường, mở rộng cái thế giới quan của mình theo cái cách mình không thể tưởng tượng được.


Hơn nữa, sách đóng vai trò cực kì lớn trong cái hành trình trưởng thành của mình. Thậm chí không quá khi nói, mình mang ơn những cuốn sách mình từng đọc, và đó cũng là cảm hứng để mình trở thành một tác giả. 

đọc sách
đọc sách

Về thói quen đọc sách, mình tạm phân ra làm 4 nhu cầu chính:


Đầu tiên là đọc để phát triển 


Đó là những cuốn sách giúp cho bạn nâng cấp được chính mình, trên góc độ của một con người. Những cuốn sách giúp bạn cải thiện được cuộc sống, thay đổi về mindset, thói quen, hay những kỹ năng quan trọng.


Tiếp theo là đọc để phát triển chuyên môn


Đó là những cuốn sách sẽ trực tiếp liên quan đến lĩnh vực bạn đang theo đuổi, những kỹ năng bạn đang cần có để phát triển sự nghiệp. Chẳng hạn như với mình, để phát triển công việc làm sáng tạo nội dung, mình phải đọc một số đầu sách liên quan đến truyền thông, kinh doanh…


Nhu cầu thứ ba là đọc để nâng cao trình độ văn hóa


Chẳng hạn như những cuốn sách về lịch sử, dạng như cuốn Sapiens rất nổi tiếng của Yuval Noah Harrari, hay một số những cuốn sách pop-science, để mình hiểu hơn về thế giới xung quanh mình.


Thậm chí mình cũng sẽ cho thêm vào nhóm này các tác phẩm văn học kinh điển, để mình có thể nâng cao được vốn từ cũng như là cái khả năng cảm thụ của mình.


Và cuối cùng, bạn có thể đọc chỉ đơn giản vì tò mò.


Có một chủ đề nào đó mới mẻ đối với bạn, khiến cho bạn cảm thấy hứng thú và muốn tìm hiểu, đó cũng rất xứng đáng thời gian của bạn. Đọc để giải trí, đối với mình, cũng là một hình thức giải trí khá lành mạnh.


Và để hình thành thói quen này, mình nghĩ việc chọn đúng sách rất quan trọng. Một website mình yêu thích dành cho việc này là trang goodreads.com. Mọi người có thể lên đây tra cứu thông tin về sách, về tác giả, hoặc đọc review khen chê của người khác để có một cảm nhận đúng nhất trước khi quyết định mua.


Bên cạnh đó, mình cho rằng, việc đọc những cuốn sách khó, có trình độ chuyên môn cao, một mặt sẽ khá thử thách, nhưng mặt khác, cũng chính sự thử thách đó sẽ nâng cao được năng lực đọc của mình.


Nên là, một khi đã hình thành được thói quen này, đừng ngại thử thách bản thân và đọc những thứ vượt lên trên khả năng của mình một chút.


Bạn có thể ghé thư viện sách nho nhỏ của Cosmic Writer tại đây.

3. Viết


Nếu như bạn đã và đang theo dõi channel của mình, mình từng nói rất nhiều đến thói quen viết. Và mình có lý do cho việc này.


Một thói quen mang lại cực kì nhiều sức mạnh, nhưng lại không thường được nhiều người nghĩ đến khi nói về phát triển bản thân.


Nhưng khi bạn ngồi xuống viết, chẳng hạn như quan điểm của bạn về một vấn đề, ghi chép lại về những gì đã xảy ra, hoặc như khi bạn viết về những cảm nhận của mình ở phần comment bên dưới này chẳng hạn, bạn sẽ thấy: 


Viết chính là tư duy. 

Rèn luyện thói quen viết, cũng chính là việc bạn đang rèn luyện khả năng biến những suy nghĩ của mình trở thành ngôn từ, biểu đạt những cảm xúc bên trong bạn ra thành hình tướng, và xâu chuỗi mọi thứ lại một cách mạch lạc và hệ thống. Nó là một quá trình mang tính sáng tạo.


Nó là cách dễ dàng và hiệu quả nhất, để bạn có thể tự nhìn thấy được nội tâm của mình, vượt qua được những thiên kiến, những điểm mù về nhận thức, để có thể tự hiểu được bản thân mình một cách sâu sắc hơn.


Viết thậm chí còn là một hình thức giúp bạn tự chữa lành cho chính mình. Nó được ứng dụng trong nhiều hình thức điều trị tâm lý, như là journal therapy, narrative therapy hay là cognitive behavioural therapy… vì nó là một phương tiện giúp bạn giải phóng được nội tâm của mình, cảm thấy nhẹ nhõm và sáng suốt hơn sau khi mọi thứ được viết ra.

Reflective Writing
Reflective Writing

Ứng dụng của viết trong điều trị tâm lý được trở nên phổ biến kể từ một nghiên cứu của tiến sĩ James Pennebaker vào khoảng cuối những năm 80.


Ông phân chia người tham gia nghiên cứu thành 2 nhóm. 1 nhóm được yêu cầu viết về những chủ đề không quan trọng. 1 nhóm được yêu cầu viết về những cảm xúc sâu sắc nhất trong mình về một trải nghiệm khó khăn trong quá khứ, trong vòng khoảng 15-20 phút và liên tục trong nhiều ngày. 


Kết quả là nhóm thứ 2 có những sự cải thiện rất đáng kể trong cuộc sống chỉ trong 6 tuần. Họ trở nên khỏe mạnh hơn, hạnh phúc hơn, vì trải nghiệm viết đó giúp cho họ giải quyết và tháo gỡ được những nút thắt bên trong mình.


Có thể thấy: viết là một cách thức để bạn giao tiếp với những giá trị sâu hơn trong bạn. Và rất nhiều khi, đó cũng là nơi mà câu trả lời cho những vấn đề của bạn được tìm thấy.


Bản thân mình, là một người viết lâu năm, mình thấy đây là một thói quen cực dễ để bắt đầu, mà giá trị của nó lại không thua kém bất kì một thói quen nào khác ở đây cả, thậm chí là thói quen tốt nhất giúp bạn mài giũa được tư duy của mình.


Và khi chúng ta chỉ đơn giản là viết cho chính mình, không bị áp lực là phải viết hay, phải bị chấm điểm… thì đó cũng là khi chúng ta viết được những gì chân thật nhất.


Như mọi người cũng biết, vì bản thân mình rất yêu viết, và cũng đã nhận được rất nhiều giá trị từ viết, mình cũng có một khóa học, sử dụng viết như một công cụ để kết nối và khám phá chính bản thân mình.


Khóa học này mới được mình rebrand lại, với cái tên là “Know Thyself: Viết Để Thấu Hiểu Bản Thân”. Mục đích của khóa học cũng đúng như cái tên gọi của nó vậy:


Là để giúp bạn hiểu được mình là ai, mình có câu chuyện gì, có thế mạnh gì, có giá trị gì… qua đó giúp bạn thiết lập một mối quan hệ lành mạnh và tích cực hơn với chính bản thân, cũng như tìm ra một định hướng phát triển cho tương lai.


Nội dung của khóa học được mình thiết kế cho 12 tuần, với các chủ đề viết được sắp xếp một cách có chủ đích, giống như là một hành trình với 3 giai đoạn: trở về bên trong, đối diện với chính mình, và vượt qua những vấn đề của bản thân.


Khi tham gia khóa học, bạn sẽ có những bài tập thực hành, dưới dạng là những câu hỏi gợi mở mang tính chiêm nghiệm, để qua đó, bạn có thể tự nhìn nhận, soi chiếu, và viết ra những cảm nghĩ của mình.


Tất nhiên, không có gì là đúng sai, hoặc là hay dở, mục đích của nó chỉ đơn giản giúp bạn suy nghĩ, giúp bạn hình thành việc viết như một cái thói quen thiết yếu trong cuộc sống của mình.

Nếu như bạn quan tâm đến “Know Thyself” và muốn đăng ký tham gia, bạn có thể tham khảo thông tin tại đây nhé.

4. Thiền


Nếu như bạn quan tâm tới đời sống tâm linh, hoặc tới các nghiên cứu của tâm lý học hiện đại, chắc hẳn bạn sẽ biết đến cái thói quen này: đó là thiền chánh niệm. Hay là mindfulness meditation.


Đây là một nghi thức thực hành tâm linh có nguồn gốc từ Phật giáo. Nhưng ngày nay, rất nhiều người xem nó đơn thuần như một thói quen tích cực để duy trì hàng ngày. Thực tế, bạn có thể thực hành thiền, cho dù niềm tin tâm linh của bạn có là gì.

Và việc này đã được minh chứng là mang lại rất nhiều lợi ích.


Thiền chánh niệm có thể nói là một chủ đề nghiên cứu nổi bật nhất của lĩnh vực tâm lý học và khoa học thần kinh trong vòng khoảng 20 năm gần đây. Khi mà nghi thức này dần được phổ biến ở phương Tây, chẳng hạn như trong các trường học ở Châu Âu, hay ở các tập đoàn công nghệ lớn tại Silicon Valley, nó cũng dần được giới khoa học quan tâm nhiều hơn.


Các nghiên cứu cho thấy rằng, thói quen này, mặc dù chỉ là ngồi yên tại chỗ và chú tâm đến hơi thở, nhưng nếu duy trì về lâu dài có thể tạo ra những ảnh hưởng vô cùng đáng kể. Và không phải ngẫu nhiên mà các truyền thống văn hóa phương Đông đã duy trì nghi thức này từ suốt hơn 2,000 năm nay.


Lợi ích đầu tiên, là giúp cho chúng ta tập trung tốt hơn. Việc duy trì sự chú ý của mình ở một đối tượng nhất định, giúp chúng ta kích hoạt vùng não prefrontal cortex, làm chủ được suy nghĩ và hành vi của mình. Khi tập trung tốt hơn, mọi thứ chúng ta làm cũng sẽ được trở nên hiệu quả hơn.


Bên cạnh đó, thiền còn tác động đến 2 vùng não là hippocampus và amygdala, giúp chúng ta gia tăng được năng lực học tập, trí nhớ, đồng thời giảm áp lực căng thẳng, và cân bằng trạng thái cảm xúc.


Vì những lợi ích này, giáo sư Jon Kabatt-zinn đã áp dụng nó cho một liệu pháp điều trị tâm lý có tên là MBCT, mindfulness-based cognitive therapy, một phương pháp trị liệu rất phổ biến tại Mỹ ngày nay. 


Nếu như so sánh cái tâm trí của chúng ta giống như một con ngựa hoang không thể kiểm soát, thì việc thực hành thiền giúp chúng ta có thể thuần phục được nó. Đây là cách để chúng ta quan sát, thấu hiểu và kiểm soát được tâm trí của mình. 


Được tự do khỏi những vòng lặp về cảm xúc, những phản ứng bản năng, hay những tác động bên ngoài, và đạt được một sự tự chủ tốt hơn.


Bản thân mình từng bắt đầu thực hành thiền từ năm 2018. Sau khi được truyền cảm hứng bởi những cuốn sách khá nổi tiếng về chủ đề này như The Power of Now, The Mind Illuminated, Mindfulness in Plain English, cũng như việc được biết đến về các lợi ích của thiền trong các nghiên cứu khoa học.


Sau khi duy trì thói quen này được vài tháng, mình dần cảm nhận thấy sự khác biệt. Cảm tưởng như nó giúp mình trải nghiệm cuộc sống được sâu hơn. Mình biết là điều này nghe hơi trừu tượng, nhưng thật sự với mình nó là như vậy. 


Mình có thể dễ dàng tập trung vào công việc và vào được flow.


Mình có thể duy trì được sự bình tĩnh và sáng suốt trước mọi tình huống.


Mình có thể quản lý được tâm trí của mình tốt hơn, không bị trượt vào những dòng suy nghĩ tiêu cực.

mindfulness meditation
mindfulness meditation

Mình có thể tìm thấy niềm hạnh phúc trong mọi thứ, kể cả là những điều nhỏ bé và đơn giản như một cảnh trời đẹp, một bản nhạc hay, hoặc là một trang sách có giá trị.

Và tất cả những hiệu ứng đó, giúp cho chất lượng cuộc sống được cải thiện từ tận gốc rễ, là từ chính cái tâm của mình.


Để bắt đầu thói quen này cũng rất đơn giản thôi. Nó không hề cao siêu như cái cách mà nhiều người cứ đang phức tạp hóa nó lên.


Bạn chỉ cần dành ra cho mình một khoảng thời gian mỗi ngày, 10 phút hoặc 20 phút, tùy khả năng của bạn, để ngồi xuống, không làm gì cả, và trải nghiệm sự tĩnh lặng.

Trong lúc đó, bạn có thể chọn lấy một đối tượng để hướng sự chú ý của mình vào, dễ nhất là chú ý vào hơi thở.


Và khi bạn làm việc này một cách tỉnh thức, nghĩa là vừa chú ý đến hơi thở, vừa giám sát sự chú ý của mình, bạn sẽ thấy tâm trí của mình có những sự xao nhãng. Nó suy nghĩ miên man đi nhiều chuyện khác. Và đó là một điều hết sức bình thường.


Bạn chỉ cần tiếp tục quay trở về, chú ý đến hơi thở, và lặp đi lặp lại việc này nhiều lần.

Chỉ cần bạn duy trì được việc này mỗi ngày, bạn sẽ dần thấy tâm của mình tĩnh hơn, và nhận thức được trở nên sáng suốt hơn.


Lợi ích của thiền rất khó để nhìn thấy, nhưng khi thực hành đủ lâu, mình tin là bạn sẽ có thể cảm nhận được nó rất rõ rệt.


Final thoughts


Aristotle từng có câu nói thế này: "We are what we repeatedly do. Excellence, then, is not an act, but a habit."


Có thể hiểu, cuộc sống của bạn là kết quả của những gì bạn lặp đi lặp lại hàng ngày. Sự xuất sắc, sự thành công, sự hạnh phúc… hay tất cả những gì tốt đẹp mà bạn đang theo đuổi, sẽ không phải là kết quả của may mắn… Nó sẽ được định hình cho bạn theo thời gian, dựa trên chính cái cách bạn vận hành cuộc sống của mình. 


Vậy nên, cách thức hiệu quả nhất đã được chứng minh là sẽ thay đổi cuộc sống của bạn, chính là việc tập trung cải thiện cho mình từng thói quen một. Chính những sự thay đổi nhỏ, về lâu dài có thể tạo thành những sự thay đổi lớn.


Và mình tin, 4 thói quen mình đã nói đến trên đây, sẽ tạo ra cho bạn một sự phát triển toàn diện. 


  • Thói quen rèn luyện thể chất, sẽ cải thiện ở bạn cả về thể chất lẫn tinh thần.

  • Đọc sách thường xuyên, giúp cho bạn nâng cao được vốn hiểu biết của mình.

  • Viết, giúp cho bạn giải phóng được cảm xúc, và tư duy được một cách sâu sắc, mạch lạc hơn.

  • Và thiền chánh niệm, giúp cho bạn cải thiện sự tập trung, tự chủ được về tinh thần, và biết cách để tận hưởng cuộc sống.


Với 4 thói quen này làm nền tảng trong cuộc sống của bạn hàng ngày, mình tin là bạn sẽ sớm trở thành phiên bản tốt nhất mà bạn có thể trở thành, và điều đó sẽ giúp cải thiện cuộc sống của bạn ở nhiều phương diện.


Một năm mới sắp đến, mình cũng hy vọng rằng chút chia sẻ này của mình cũng đã cho bạn một chút cảm hứng, giúp cho bạn biết mình cần phải làm gì để có thể tự tạo ra cho mình một sự khởi đầu mới tốt đẹp hơn.


Và cuối cùng, rất cảm ơn bạn đã lắng nghe mình chia sẻ. Hy vọng là bạn đã nhận được nhiều giá trị hữu ích.


Hẹn gặp bạn lần sau.


Hà Minh aka Cosmic Writer


Commenti


bottom of page